Bài báo cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bài báo có nội dung không dài, trong đó Bác đề cập những thành tích của thiếu niên, nhi đồng hai miền nam, bắc; những vấn đề tồn tại. Và từ đó Người đề ra trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc chăm sóc, giáo dục các em.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trại nhi đồng miền nam ngày 20-1-1958. |
Mở đầu bài báo, Bác khẳng định: "Nói chung trẻ con ta rất tốt". Ðể minh chứng điều này, Bác lấy dẫn chứng về các em bé ở hai miền nam, bắc đã không quản ngại hy sinh, gian khổ để góp sức mình vào sự nghiệp cách mạng của Ðảng. Ðối với các em bé miền nam, hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt với cuộc chiến tranh khốc liệt do kẻ thù gây ra, song không vì thế mà làm chùn bước các em. Bác viết: "Ở miền Nam, các cháu bé rất dũng cảm, đã hăng hái giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ gia đình có người kháng chiến, làm giao liên, đánh du kích, v.v. Nhiều cháu mới hơn 10 tuổi đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ". Ðó là sự khen ngợi mà Bác dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng miền nam- thành đồng của Tổ quốc.
Còn đối với thiếu nhi miền bắc, Bác đã dành những lời khen ngợi thân thiết: "Ở miền Bắc, các cháu đều hăng hái thi đua làm "nghìn việc tốt" như giúp đỡ gia đình bộ đội, trả lại của rơi, gan góc liều mình cứu bạn, v.v. Ở nông thôn thì nhiều nơi các cháu tổ chức giúp các hợp tác xã chăm sóc trâu bò béo khỏe, trồng cây và bảo vệ cây xanh tốt". Không những thế, "các cháu sơ tán xa gia đình vẫn cố gắng vượt mọi khó khăn, kính thầy yêu bạn, đoàn kết với đồng bào địa phương và thi đua học tập tốt, lao động tốt. Nhiều cháu học giỏi, tất cả các môn đều đạt điểm 5, điểm 10, đã được giải thưởng của Bác Hồ".
Niềm mong mỏi của Bác năm nào (tháng 9-1945) khi Người viết: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em" (2) đã được các em gắng công thực hiện bằng những việc làm cụ thể.
Các em bé miền bắc mặc dù không phải đối mặt trực tiếp và thường xuyên với cuộc chiến tranh tàn khốc do đế quốc Mỹ gây ra, song đã nỗ lực để không thua kém các bạn miền nam, hằng ngày đã góp sức với ông bà, cha mẹ, anh chị lao động, sản xuất và học tập. Với những hành động "tuổi nhỏ làm việc nhỏ" rất thiết thực, các em đã được Bác Hồ ghi nhận và biểu dương về những thành tích đó. Bài báo viết: "Hàng trăm cháu có thành tích xuất sắc đã được Bác Hồ thưởng huy hiệu. Hơn hai triệu cháu được bình bầu là Cháu ngoan Bác Hồ". Ðó quả thực là những đóa hoa tô thắm cho truyền thống yêu nước nồng nàn của các em vào lịch sử của dân tộc. Ðó cũng là kết quả mà Ðảng ta và Bác Hồ đã giáo dục, rèn luyện các em để các em trở thành người có ích cho xã hội. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh : "Nhân dân ta rất tự hào có nhiều con cháu tiến bộ như thế. Mong các cháu ngày càng cố gắng hơn nữa và tiến bộ hơn nữa". Bên cạnh những em đã có nhiều cố gắng trong học tập, lao động, sản xuất, Bác cũng chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm đối với một số thiếu niên, nhi đồng khác. Người viết : "Song vẫn còn một số ít cháu chậm tiến vì chưa được chăm sóc dạy dỗ đến nơi đến chốn". Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Bác Hồ đã dành nhiều công sức, tâm huyết để đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam. Khi ở tuổi "thất thập cổ lai hy", thời điểm mà Người sắp phải từ biệt thế giới này, Người một lần nữa đặt vấn đề chăm sóc và giáo dục các em thiếu niên, nhi đồng và khẳng định: "Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà". Người yêu cầu: "Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ".
Sinh thời, Bác từng viết: "Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan"... Các em thiếu niên, nhi đồng phát triển tốt hay xấu đều do công tác chăm sóc, giáo dục của xã hội mà nên. Do đó, phải chăm sóc và giáo dục các em trở thành những người "vừa hồng, vừa chuyên", và "phải làm kiên trì", "bền bỉ".
Ðể chăm sóc, giáo dục các em thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ đã đặt ra kế hoạch: "Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực". Muốn vậy, Bác căn dặn: "Trước hết các gia đình (tức là ông bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy. Các đảng ủy đường phố và hợp tác xã phải phụ trách chỉ đạo thiết thực và thường xuyên. Ủy ban thiếu niên, nhi đồng, Ðoàn thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu càng ngày càng khỏe mạnh và tiến bộ. Các tỉnh ủy, thành ủy cần phải phụ trách đôn đốc việc này cho có kết quả tốt".
Về điều này, trong Di chúc, Bác đã từng đặt ra nhiệm vụ chăm sóc thế hệ trẻ nước nhà, trong đó có các em thiếu niên, nhi đồng. Bác viết: "Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên"; "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết"(3).
Kết thúc bài báo, Bác chỉ rõ : "Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt". Ðây là lời di huấn mà Bác chỉ thị cho toàn Ðảng, toàn xã hội phải có trách nhiệm để thực hiện.
Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) đọc lại bài báo "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta thấy vẫn nóng hổi tính thời sự. Mỗi người chúng ta ở mỗi cương vị công tác hãy thực hiện tốt hơn nữa di huấn của Người về việc chăm sóc và giáo dục các em thiếu niên, nhi đồng.
---------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 12, tr 467 - 468.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 4, tr 33.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 12, tr 510.
Nguyễn Quốc Dũng (Văn phòng Trung ương Ðảng)
Nguồn Nhân Dân điện tử
Các tin khác
- (27/10/2019)
- (01/02/2018)
- (08/11/2017)
- (07/11/2017)
- (18/01/2017)
- (11/01/2017)
- (03/01/2017)
- (29/12/2016)
- (29/12/2016)
- (29/12/2016)
Trang đầu 1 2 3 4 5 Trang cuối