Tác phẩm của Bác

Xây dựng phong cách làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện nay theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

08/11/2017 09:07:07 AM
Màu chữ Cỡ chữ

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ. Theo Người, phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ có vai trò to lớn để nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thấm sâu vào “tâm lý quốc dân” và đi vào cuộc sống, cổ vũ động viên phong trào hành động cách mạng của quần chúng, tạo ra đột phá trong các lĩnh vực cách mạng.

 


Trường Chính trị tỉnh tổ chức tọa đàm khoa học Học tập và làm theo phong cách làm việc Hồ Chí Minh.

 

Phong cách làm việc là tổng hợp những phương pháp, cách thức, biện pháp, tác phong, lề lối làm việc để vận dụng các kiến thức, tri thức khoa học vào thực tiễn đem lại hiệu quả. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng cấu thành phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Với vị trí gần dân nhất và với vai trò trực tiếp thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đòi hỏi người cán bộ cấp xã phải có nhận thức chính trị đúng đắn, kiến thức sâu rộng và phải có phương pháp, kỹ năng công tác. Thực tế cho thấy, đối với người cán bộ cấp xã, khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ có những lúc, những công việc chưa hoàn thành tốt không phải do thiếu kiến thức và sự nhiệt tình, trách nhiệm hay phương tiện, vật chất bảo đảm mà  còn do phong cách làm việc chưa phù hợp. Ngày 15-5-2015, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ thị đã xác định, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên và là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Từ việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi xin trao đổi một số nội dung về phong cách: Khoa học, dân chủ, nêu gương của Bác Hồ. Đồng thời, khuyến nghị một số giải pháp để đội ngũ cán bộ cấp xã có định hướng và xây dựng, rèn luyện phong cách làm việc:

Về phong cách làm việc khoa học

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ phải có “Cách làm việc có khoa học”. Ngay trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc, Bác viết: “Nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”. “Đúng hơn”, “khéo hơn” chính là cách làm việc khoa học. Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi cách làm việc phải đúng với quy luật khách quan; mang tính kế hoạch; bài bản; sáng tạo và hiệu quả. Theo Bác, phong cách làm việc khoa học đòi hỏi người cán bộ phải “đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực”, đồng thời phải có “óc tổ chức”, chia công, xếp việc cho rõ ràng, tổ chức động viên “toàn dân ra thi hành” và phải “khéo kiểm soát” để tổng kết “rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Đối lập với phong cách khoa học là thói tùy tiện, chủ quan, duy ý chí, gặp chăng hay chớ, thiếu kế hoạch, luộm thuộm, không có hiệu quả. Người phê bình cán bộ: “cách làm việc không có kế hoạch, gặp sao làm vậy, làm lấy lệ, không có ngăn nắp, làm không đến nơi đến chốn” 1. Phong cách khoa học đòi hỏi người cán bộ phải không ngừng sáng tạo, đổi mới cái cũ, cái lạc hậu và làm những cái mới chưa có trong tiền lệ, để tìm ra hướng đi mới, cách làm hay đem lại cuộc sống  ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải: “có tinh thần sáng tạo, tìm tòi cái mới, học tập cái mới, ủng hộ cái mới, thực hiện cái mới thì việc gì cũng làm được” 2. Người căn dặn: “Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”  3.

Về phong cách làm việc dân chủ

Phong cách dân chủ là đặc trưng cơ bản của phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ cấp xã, nó sẽ khơi dậy được mọi sự tham gia nhiệt tình và những đóng góp sáng tạo của quần chúng. Hồ Chí Minh khẳng định, thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề. Người viết: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến” 4. Trước hết, Hồ Chí Minh yêu cầu phong cách dân chủ là phải “Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết”. Mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân là tư tưởng cốt lõi và xuyên suốt cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ các cấp; “Việc gì có lợi cho dân  phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh” 5. Tư tưởng “Tất cả vì lợi ích của nhân dân”  là kim chỉ nam cho hoạt động lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ cấp xã.

Năm 1947, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, Người căn dặn: “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân. Trước kia, sức dân, của dân làm lợi cho đế quốc, nay đem lại lợi ích cho dân” 6. Đem tài dân, sức dân, của dân, tức là đem toàn bộ sức người, sức của, tinh thần, vật chất, tài năng, của cải, tài sản trong dân để làm lợi cho dân. Nói ngắn gọn, đây chính là triết lý phát huy nguồn lực của dân để đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đây là một triết lý hết sức sâu sắc, có ý nghĩa lớn với việc xây dựng phong cách làm việc dân chủ của đội ngũ cán bộ cấp xã theo Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Về phong cách làm việc nêu gương

Theo Bác, nêu gương là phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, cả trong công tác và cuộc sống, cả trong lời nói và việc làm, đặc biệt là nói phải đi đôi với làm và phải làm “mực thước”, “làm mẫu” cho quần chúng nhân dân làm theo. Bác dạy: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” 7, cán bộ, đảng viên có chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, Người từng nhắc nhở cán bộ: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” 8. Người còn chỉ rõ: “...một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” 9.Với mỗi cán bộ, đảng viên, việc nêu gương thể hiện trên ba mối quan hệ: Đối với mình; đối với người và đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt việc công lên trên, lên trước việc tư.

Phong cách không phải là cái có sẵn, không phải là bẩm sinh. Phong cách là nét đặc sắc, đặc trưng riêng và là sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Nét đặc sắc đó, sự sáng tạo đó, chỉ có được thông qua quá trình học tập và rèn luyện thực sự nghiêm túc và trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Để xây dựng phong cách làm việc  của đội ngũ cán bộ cấp xã cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:

Một là, cán bộ phải học tập, rèn luyện từ thực tiễn. Theo đó, người cán bộ cấp xã phải học tập chính ngay từ thực tiễn công việc hàng ngày, học từ người dân; học từ đồng chí, đồng nghiệp, học từ việc tổng kết thực tiễn, tổng kết những mô hình mới, những cách làm hay.

Hai là, nghiêm túc học tập và rèn luyện phong cách làm việc thông qua trường lớp. Công cuộc đổi mới luôn vận động, sự nghiệp đổi mới ngày càng phát triển, yêu cầu của người dân, của cấp cơ sở đối với đội ngũ cán bộ ngày càng cao. Đòi hỏi người cán bộ cấp xã phải thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mới về khoa học lãnh đạo quản lý.

Ba là, xây dựng và rèn luyện phong cách thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm. Qua đó, cán bộ xem xét, nhìn nhận đánh giá phong cách lãnh đạo, quản lý của mình phù hợp hay chưa phù hợp, từ đó đặt ra phương hướng học tập, rèn luyện để phong cách làm việc của mình ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp hơn.

Bốn là, mỗi cán bộ cấp xã phải làm tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, khóa XII, của Đảng và các chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nhóm giải pháp kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Thực hiện tốt phương châm 3R trong tự phê bình (rà soát, rút kinh nghiệm và rèn luyện).

Năm là, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể rèn luyện, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Theo đó, cần phải thực hiện tốt: xây dựng kế hoạch, đăng ký cụ thể trước tập thể về nội dung trách nhiệm nêu gương; cấp ủy góp ý, giám sát, tạo điều kiện thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đồng thời nhân rộng gương người tốt, việc tốt.

Tóm lại, cán bộ cấp xã cần phải coi việc rèn luyện, xây dựng phong cách làm việc theo Tư tưởng Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ thường xuyên, tự giác và bền bỉ suốt đời. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do học tập, đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển hoàn thiện, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Rèn luyện đạo đức cũng như phong cách của mỗi người không thể trong ngày một ngày hai, mà cần phải rèn luyện thường xuyên. Thực tiễn luôn thay đổi, đặt ra những yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng và trước những tác động của nền kinh tế thị trường, nếu không tự tu dưỡng, rèn luyện phong cách của bản thân, người cán bộ cấp xã sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của thời cuộc. Bác đã dạy: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” 10. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập, rèn luyện không ngừng, học không chỉ là nghĩa vụ để chuẩn hóa cán bộ theo yêu cầu của Đảng mà còn phải là nhu cầu tự thân, học tập thường xuyên, học tập suốt đời  để có phẩm chất tốt, đồng thời có nền tảng học vấn cần thiết. Chỉ khi nào học vấn trở thành công cụ nhận thức, công cụ hoạt động làm tăng lên giá trị của chính mình, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, khi đó học vấn mới trở thành văn hóa, trở thành thành tố quan trọng trong phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ cấp xã, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”.



(Từ 1 đến 10:  Hồ Chí Minh (2009) Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội).
.TS. Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Các tin khác

  • (27/10/2019)
  • (01/02/2018)
  • (07/11/2017)
  • (18/01/2017)
  • (11/01/2017)
  • (11/01/2017)
  • (03/01/2017)
  • (29/12/2016)
  • (29/12/2016)
  • (29/12/2016)
  • Trang đầu 12345 Trang cuối