Thông tin - Sự kiện
Hành trình vượt khó của con tôm Cà Mau
Thu hoạch tôm tại huyện Phú Tân
Cà Mau được xem là mỏ tôm và con tôm là nguyên liệu chính để cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.
Nói về quá khứ, từ năm 2000 đến nay, tỉnh đã thực hiện chuyển đổi trên 160.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm chuyên canh và nuôi 01 vụ tôm kết hợp với trồng 01 vụ lúa, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tăng lên 290.000 ha. Sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông - ngư nghiệp sang ngư - nông nghiệp là sự chuyển đổi đúng hướng, kịp thời, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở đường thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, trước nhu cầu của thị trường ngày càng cao, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân và tập trung thực hiện Đề án Nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm – lúa của tỉnh giai đoạn 2009 – 2012 và định hướng đến 2015” tạo động lực để phong trào nuôi tôm của tỉnh phát triển nhanh.
Có được kết quả như ngày hôm nay, nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã trải qua một hành trình đầy khó khăn để đạt được diện tích 266.592 ha tôm nuôi và cho năng suất tương đối ổn định như hiện nay. Con tôm đã cùng người nông dân vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để vươn lên làm giàu. Trong từng giai đoạn, con tôm và người nông dân có những bước thăng trầm khác nhau. Tâm sự với một vài nông dân để thấy được hành trình dẫn đến thành tựu trong nuôi tôm là không hề đơn giản. Ông Võ Văn Be, ấp Lộ Xe, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước chia sẻ: hơn 10 năm nuôi tôm, toàn bộ diện tích ông đều dành cho con tôm nhưng cũng có khi, con tôm đã phụ bạc ông. Thời gian đầu, sau vài vụ tôm lãi cao, ông tập trung hết vốn thả giống, sau đó tôm chết hàng loạt do chưa biết cách cải tạo ao đầm, gia đình ông cũng vì vậy mà điêu đứng. Nhưng rồi khó khăn cũng qua khi Nhà nước giúp đỡ về vốn cũng như hỗ trợ kỹ thuật, ông hiểu hơn về con tôm nên từ đó lãi thu về đều đặn hơn. Từ 3 ao tôm ban đầu, nay với 2 ha đất, ông đầu tư toàn bộ cho nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao. Hàng năm, gia đình ông thu lãi từ 100 triệu trở lên.
Ông Nguyễn Văn Được, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi là một trong những nông dân đi đầu về nuôi tôm công nghiệp, dường như ít thăng trầm hơn khi kiến thức về nuôi tôm được ông chia sẻ khá cặn kẽ. Tuy nhiên ông cũng nhận ra rằng, nghề này rủi ro khá cao. Khi thả giống chỉ biết chờ vào vận may, sự tác động về khoa học - kỹ thuật của người dân hiện vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm nhiều năm theo nghề. Chấp nhận lãi ít thời gian đầu, giờ đây mô hình nuôi tôm công nghiệp của ông đang dần ổn định và ông còn rất vui mừng khi biết tin các vùng, cụm nuôi tôm công nghiệp sẽ được Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi, hệ thống lưới điện ba pha; đấu nối giao thông đường bộ... Ngoài ra, người dân còn được nhận các hỗ trợ như: chuyển giao khoa học công nghệ, tập huấn kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, khắc phục thiên tai... Để giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả, tỉnh đang tập trung triển khai dự án đầu tư lưới điện ba pha cho các vùng, cụm nuôi tôm công nghiệp tại các huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân và TP Cà Mau, cung cấp 23 nghìn kVA phục vụ cho 3.369 hộ dân nuôi tôm công nghiệp trên diện tích 4.226 ha..., nhằm góp phần hướng tới mục tiêu đạt năm tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào năm 2015.
Diện tích tôm công nghiệp của tỉnh đang tăng nhanh, kéo theo đó là hàng loạt thách thức mới. Thấy được khó khăn chung của người dân, Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm – lúa đã được xây dựng để từng bước chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi tôm đến từng hộ nuôi tôm trong tỉnh, ứng dụng tiến bộ khoa học trong canh tác, nhằm cung cấp đủ nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất và xuất khẩu, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng cao qua từng năm.
Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, cho biết: Đề án tôm - lúa như một luồng sinh khí mới, thúc đẩy sự phát triển của nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Minh chứng là năng suất tôm nuôi kể từ khi triển khai Đề án được nâng lên rõ rệt. Ngoài ra, tỉnh khuyến khích phát triển kinh tế trang trại ở các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, gắn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản với nông dân thông qua mô hình liên kết “4 nhà”. Ngoài tăng cường công tác khuyến ngư, Cà Mau đầu tư phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, với khoảng 600 trại, sản xuất 10 tỷ con giống/năm trở lên để chủ động cung ứng nguồn giống cho nhân dân.
So với các tỉnh trong khu vực và cả nước, Cà Mau đã tạo được nét riêng độc đáo là vùng trọng điểm về nuôi tôm sinh thái, được khách hàng của nhiều nước trên thế giới quan tâm, ưa chuộng. Do mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản và tăng năng suất, nên sản lượng thủy sản của tỉnh liên tục tăng nhanh, năm 2011 đạt 397.000 tấn, gấp 3,08 lần năm 1997, trong đó sản lượng tôm đạt 128.500 tấn, gấp 3,24 lần năm 1997.
Là một trong những tỉnh đi đầu về xuất khẩu thủy sản ngay từ những năm đầu đổi mới, nên từ khi tái lập tỉnh đến nay, Cà Mau có điều kiện và lợi thế đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, đến nay đã xuất khẩu sản phẩm thủy sản của tỉnh sang 40 nước và với trên 100 khách hàng thường xuyên. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, bình quân 14%/năm, năm 2011 đạt 900 triệu USD, tăng gấp 6,62 lần năm 1997.
Nhìn lại chặng đường không ít thăng trầm ấy, giờ đây con tôm gắn liền với nông dân Cà Mau như những người bạn đồng hành. Không những vậy, nhờ con tôm mà diện mạo nông thôn đổi khác, đời sống người dân trở nên khá giả hơn. Cà Mau đã lựa chọn và khẳng định việc phát triển các mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi quảng canh cải tiến để mở rộng diện tích theo quy hoạch tại các vùng nuôi trong tỉnh; đồng thời đề ra bước đi phù hợp để đưa nghề nuôi tôm tiếp tục là thế mạnh và ngọn cờ đầu trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Bài, ảnh: Anh Vy