Thông tin - Sự kiện
Cà Mau sau 15 năm tái lập tỉnh: vững tin bước vào giai đoạn phát triển mới.
Một góc TP. Cà Mau.
Ngày 01/01/1997, tỉnh Minh Hải được chia tách thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Khi mới tái lập, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của Cà Mau còn thấp, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, nền kinh tế còn trong tình trạng thuần nông, chuyển dịch cơ cấu còn chậm; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho giáo dục, y tế…chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thêm vào đó, cơn bão số 5 đổ bộ vào Cà Mau gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm cho kinh tế của tỉnh trong những ngày đầu mới thành lập đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhưng là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản, phát triển dịch vụ; người Cà Mau có tính cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo trong lao động sản xuất, nhờ đó, sau khi chia tách, Đảng bộ và nhân dân Cà Mau đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, huy động tối đa mọi năng lực, nguồn lực để tập trung phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp – xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng các ngành ngư - nông - lâm nghiệp. 15 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá cao, năm sau luôn cao hơn năm trước và ngày càng ổn định. Năm 2011, GDP trên địa bàn tỉnh tăng 3,6 lần so với năm 1997, tăng trưởng GDP bình quân trên 11%/năm. Do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định nên quy mô kinh tế của tỉnh năm 2011 lớn gấp 07 lần và tình hình tài chính, ngân sách được cải thiện đáng kể, thu ngân sách trên địa bàn tăng 13,9 lần so với năm 1997.
Trong 15 năm qua, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp sang thủy sản thể hiện rất rõ nét. Năm 2000, sau khi thực hiện chủ trương của Chính phủ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỉnh đã chuyển một diện tích lớn đất trồng lúa và cây trồng khác kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, tạo điều kiện khai thác tốt lợi thế, tiềm năng sẵn có, nên giá trị sản phẩm tạo ra trên cùng một diện tích cao hơn nhiều so với trước khi chuyển dịch; hàng hóa được sản xuất gắn với cơ chế thị trường, ngày càng nâng cao về chất lượng và giá trị. Do chuyển dịch cơ cấu sản xuất nên diện tích trồng lúa đã giảm khoảng 42% so với năm 2007, nhưng nhờ đẩy mạnh thâm canh và gieo trồng giống lúa mới nên năng suất lúa đạt khá cao. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh việc kết hợp trồng lúa trên đất nuôi tôm theo Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa giai đoạn 2009 – 2012, định hướng đến năm 2015”, đã hướng nông dân đến một nền sản xuất bền vững, góp phần khôi phục đáng kể diện tích gieo trồng lúa trên địa bàn tỉnh.
Cà Mau có diện tích và sản lượng tôm nuôi lớn nhất so với các tỉnh trong nước.
Kinh tế thủy sản thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chiếm 30% GDP. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng mạnh, đặc biệt là diện tích nuôi tôm chiếm 90% diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh; sản lượng tôm nuôi của tỉnh chiếm 27% sản lượng tôm toàn vùng. Qua 15 năm, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đã tăng gấp đôi; sản xuất thủy sản đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho nông dân ở các vùng ven biển và nông thôn, mang lại cho tỉnh mỗi năm hàng triệu USD, đưa tỉnh Cà Mau trở thành một trong những tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thủy sản đứng đầu cả nước, với tốc độ tăng bình quân hàng năm trên 14%.Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cao và đều theo thời gian, bình quân tăng trên 18%/năm. Không chỉ tăng trưởng cao, công nghiệp Cà Mau những năm gần đây còn có khởi sắc về chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng đa ngành, đa sản phẩm và đa thành phần kinh tế. Bên cạnh các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: thủy sản, lương thực, làm đồ gỗ, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, may mặc…còn có thêm một số ngành mới như: sửa chữa thiết bị văn phòng, thiết bị truyền thông, sản xuất thiết bị điện, sản xuất điện…đã góp phần nâng số cơ sở sản xuất công nghiệp lên trên 5.500 cơ sở, tăng 89% so với năm 2007, thu hút trên 39.000 lao động, trong đó, số lao động trong ngành chế biến thực phẩm chiếm 76% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp.
Cà Mau là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp chế biến thủy sản.
Trong 15 năm qua, tỉnh đã tích cực huy động mọi nguồn lực, mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư, nhờ đó, vốn đầu tư phát triển của tỉnh tăng mạnh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2007 – 2011 đạt trên 82.100 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển, hoàn thành nhiều công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đưa thành phố Cà Mau phát triển lên đô thị loại II. Bên cạnh đó, Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm, Khu Công nghiệp Hòa Trung…được hình thành, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kết cấu hạ tầng có nhiều thay đổi, các tuyến Quốc lộ 1A nối từ Cà Mau – Năm Căn đi qua huyện Cái Nước, đường Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ 63 Cà Mau – Kiên Giang đi qua huyện Thới Bình, và một số đường liên huyện được xây dựng hoàn thành, đã tạo nên mạch giao thông thông suốt để tỉnh mở rộng giao thương. Bên cạnh đó, giao thông nông thôn phát triển khá, đặc biệt là việc tập trung thực hiện Đề án xây dựng 1.588 cây cầu giao thông nông thôn đã đáp ứng được nhu cầu đi lại giữa các vùng trong tỉnh, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.
Một góc Nhà máy đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn/năm, thuộc cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau, đã cho ra dòng sản phẩm chạy thử đầu tiên vào ngày 24/11 vừa qua.
Thương mại, dịch vụ có bước phát triển mới, cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng những năm qua đã có sự chuyển dịch theo hướng đa thành phần; trong đó, kinh tế tư nhân, cá thể là chủ yếu. Đến năm 2011, tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh tăng 16,8 lần so với năm 1997; sản phẩm đa dạng, phong phú và đạt chất lượng, lưu thông tự do, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân.
Văn hóa – xã hội có những chuyển biến rõ nét. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 1.220 USD/người/tháng, tăng 05 lần so với năm 1999. Thu nhập của người dân tăng, cộng với chính sách an sinh xã hội được tốt đã góp phần cải thiện tình hình nhà ở và phương tiện sinh hoạt của dân cư, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 2%/năm.
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, đảm bảo cân đối về quy mô, loại hình và nâng cao chất lượng, từng bước thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, đa dạng hóa và xã hội hóa giáo dục. Quy mô trường, lớp học tăng lên, cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư hoàn thiện; tỷ lệ trường học kiên cố và bán kiên cố tăng từ 60% lên 100%. Bên cạnh việc thực hiện Đề án xây dựng 1.588 cây cầu giao thông nông thôn, tỉnh còn thực hiện Chương trình hỗ trợ tiền đò cho học sinh nghèo đi học bằng phương tiện thủy, góp phần giảm thiểu được tình trạng học sinh bỏ học. Tính đến nay, tỉnh Cà Mau đã có 75/529 trường đạt chuẩn quốc gia. Với những nỗ lực đó, tỉnh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục THCS vào tháng 12 năm 2008 và đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2009.
Cơ sở vật chất ngành y tế được đầu tư nâng cấp và mở rộng, công tác xã hội hóa y tế và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Nếu như năm 1997, tỷ lệ giường bệnh là 14 giường/01 vạn dân, thì đến năm 2011 tăng lên 29 giường/ 01 vạn dân và tăng từ 03 bác sĩ/1 vạn dân lên 6 bác sĩ/1 vạn dân. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố. Đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có trạm y tế; có 92/101 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; các trạm y tế đều có nữ hộ sinh trung học và y sĩ sản nhi; các ấp, khóm có nhân viên y tế hoạt động. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên nhờ áp dụng nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến ở bệnh viện các tuyến. Ngoài ra, ngành Y tế còn thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội về y tế, nhất là với trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao có nhiều tiến bộ, ngày càng phát triển về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền được chú trọng; an ninh quốc phòng được giữ vững.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 82/82 xã đã hoàn thành Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã và được UBND huyện/thành phố phê duyệt, đang triển khai thực hiện. Trên cơ sở tổng hợp Đề án xây dựng nông thôn mới của các xã, toàn tỉnh có 06/09 huyện, thành phố đã xây dựng hoàn thành Kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020 và đang triển khai thực hiện; các huyện còn lại cũng đã xây dựng xong Kế hoạch và đang trình phê duyệt. Để hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức Hội nghị phát động phong trào thi đua “Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới”, tổ chức cho 9 huyện/thành phố và 04 xã chỉ đạo điểm ký kết giao ước thi đua. Các huyện/thành phố và các xã cũng đã tổ chức ký kết, xây dựng Bản đăng ký thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho các chủ hộ gia đình ở các ấp tự nguyện đăng ký thực hiện những nội dung về tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Với nền tảng sẵn có và những nỗ lực trong thời gian qua, đến nay, 82 xã đã xây dựng đạt từ 05 – 16 tiêu chí so với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết, chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong việc cụ thể hóa đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, dồn sức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng.
Bên cạnh những thành tựu to lớn đó, nhìn lại chặng đường 15 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh nhà vẫn còn một số hạn chế: kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng tính bền vững chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào nguồn đầu tư ngoài tỉnh; công nghiệp phát triển mạnh nhưng chỉ tập trung vào một số ngành; xuất khẩu tăng nhanh nhưng cơ cấu sản phẩm còn đơn điệu, chủ yếu là sản phẩm thô đông lạnh; các hoạt động giáo dục, đào tạo nghề, y tế, văn hóa còn có độ chênh lệch nhất định giữa thành thị với nông thôn. Tuy nhiên, đây chỉ là những khó khăn tạm thời trong quá trình phát triển. Nhân dân tỉnh Cà Mau luôn tin tưởng rằng: với những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua và đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, tinh thần đoàn kết, gắn bó vượt qua khó khăn của các tầng lớp trong tỉnh, chắc chắn sẽ tạo nên niềm tin mới, sức mạnh mới để Đảng bộ, quân và dân Cà Mau vững tin cùng với cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.
Ngọc Thu