Tài nguyên biển
Cà Mau là tỉnh có 3 mặt tiếp giáp với biển, diện tích lãnh hải khoảng 67.000 km2. Đây là vùng biển có trữ lượng hải sản lớn và phong phú cả về chủng loại.
Cụm đảo Hòn Đá Bạc có diện tích 6,3 ha, đỉnh cao nhất 24 m.
Cà Mau có chiều dài bờ biển trên 254km, chiếm 1/3 chiều dài bờ biển vùng ĐBSCL, bằng 7,8% chiều dài bờ biển của cả nước và có nhiều cửa sông ăn thông ra biển như: Gành Hào, Bồ Ðề, Ông Ðốc, Ông Trang, Bảy Háp, Khánh Hội...Trên biển có đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Buông và Hòn Đá Bạc, rất thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu, trú bão, phát triển kinh tế biển. Biển Cà Mau có diện tích thăm dò khai thác rộng khoảng 71.000 km2, được đánh giá là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại. Trữ lượng cá nổi ước khoảng 320 ngàn tấn, cá đáy 530 ngàn tấn, với 661 loài, 319 giống, thuộc 138 họ. Nhiều loại tôm cá có giá trị và sản lượng lớn như tôm, mực, ghẹ, cá hồng, cá sạo, cá thu, cá chim, cá mú, cá bớp… Vùng mặt nước ven biển có khả năng nuôi các loại thủy sản như nghêu, sò huyết, hàu, tôm nước mặn…có giá trị kinh tế cao. Sản lượng khai thác, đánh bắt thuỷ sản khoảng 300 ngàn tấn/năm.
Biển Cà Mau là vùng có nhiều loại động vật phù du sinh sống, là nguồn thức ăn cho cá tôm sinh sản và phát triển. Gần đây, các cửa biển được nạo vét cải tạo, số tàu thuyền đánh bắt cá tăng lên nhanh đã gợi ra một hướng giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hướng ra biển. Biển còn gắn liền với lợi thế về giao thông vận tải biển, các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối (những nơi có thể xây dựng các cảng cá, trung tâm dịch vụ biển) cùng với vùng ven biển làm bàn đạp đẩy nhanh kinh tế biển và những cụm đảo này có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của tỉnh, vùng và cả nước.
Tỉnh Cà Mau có 3 mặt tiếp giáp với biển, với 254 km bờ biển. Trong ảnh: Bờ biển Đông tỉnh Cà Mau.
Biển Cà Mau nằm trong vùng biển Tây Nam Bộ (phần lớn là vùng Vịnh Thái Lan), đây là vùng biển kéo dài từ vùng biển tỉnh Tiền Giang đến Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Trong vùng biển có 156 đảo lớn nhỏ thuộc 5 quần đảo và các đảo lẻ. Đây là vùng biển tiếp giáp với nhiều nước như: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia nên vùng biển này có vai trò cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long lưu thông với các nước trong khu vực và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước.
Tàu khai thác thủy sản của tỉnh Cà Mau neo đậu tại cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Trong vùng biển của tỉnh Cà Mau có 3 cụm đảo gần bờ là cụm đảo Hòn Khoai (diện tích 577 ha, đỉnh cao nhất 318 m), cụm đảo Hòn Chuối (diện tích 55,22 ha, đỉnh cao nhất 165 m) và cụm đảo Hòn Đá Bạc (diện tích 6,3 ha, đỉnh cao nhất 24 m). Đặc biệt cụm đảo Hòn Khoai có khả năng phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế biển và có vị trí quan trọng về bảo vệ an ninh quốc phòng do có vị trí án ngữ ở cửa Vịnh Thái Lan, nằm ở giữa vùng biển Đông và Vịnh Thái Lan.