Chùa Rạch Giồng
Chùa Rạch Giồng (Chùa Serymengcol) (Chùa), tọa lạc tại ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Chùa Rạch Giồng là một quần thể kiến trúc độc đáo.
Chùa Rạch Giồng là một trong những ngôi chùa Khmer được xây dựng khá sớm tại tỉnh Cà Mau. Chùa là trung tâm văn hóa tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng người Khmer - Kinh – Hoa. Đồng thời, chùa cũng là trường học, nơi công viên vui chơi, giải trí, thưởng thức và sáng tạo các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.
Hằng năm, có nhiều lễ hội định kỳ được diễn ra trong khuôn viên chùa, như: Lễ dâng áo cà sa (Lễ dâng Y Ka Thina), được tổ chức từ ngày 16 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10 âm lịch; lễ đặt cơm vắt (Phua Chum Bon), diễn ra trong vòng nửa tháng vào cuối tháng 8, hay Lễ Phật đản (Bon Visaka Bochesa, được tổ chức vào rằm tháng 4 âm lịch. Đây là lễ lớn trong đạo Phật, đã trở thành phong tục, ấn tượng ăn sâu vào tâm trí mỗi người dân Khmer nơi đây.
Ngoài những lễ hội tôn giáo được người dân chú trọng, các lễ hội dân gian cũng được diễn ra trong chùa một cách sôi nổi, tiêu biểu là: Chôl Chhnăm Thmây, lễ cúng Trăng (Ok Om Bok), lễ cúng ông bà (Sene Dolta), không chỉ có những tín đồ phật giáo mà còn có sự tham gia của hầu hết người dân nơi đây. Không khí lễ hội diễn ra nhộn nhịp và náo nức, nghệ thuật cổ truyền của người Khmer được phát huy giá trị như sân khấu truyền thống Yukê, Rôbăm, múa dân gian, hay: Sarikakeo, Saravan, Râm vông… Trong các buổi trình diễn văn nghệ mang đầy bản sắc văn hoá, toàn thể đồng bào người Khmer nơi đây quần tụ tại chùa để cùng nhau múa hát, tiến hành các nghi lễ truyền thống. Chùa còn là nơi họp dân trong phum, sóc để bàn những vấn đề có liên quan đến tập thể, chẳng hạn như: Tu sửa chùa, tổ chức các ngày hội, thậm chí đến việc giải quyết những bất hòa, mâu thuẫn của cá nhân, tập thể trong phum, sóc, thể hiện tính cộng đồng sâu sắc.
Các hiện vật cổ xưa nhất tại Chùa hiện cũng không còn nhiều, đồ cổ và tài liệu trong chùa đã bị thất lạc trong chiến tranh, vật liệu nhẹ không tồn tại được với thời gian hàng trăm năm.
Hiện nay, chỉ còn Satra ghi chép kinh kệ được viết trên lá Buông bằng chữ Khmer (Tổng cộng có 200 thẻ, trong đó có188 thẻ còn chữ) có cách đây trên 230 năm; một hiện vật khác là một chiếc ghe ngo cổ có cách nay trên 150 năm. Chiếc ghe ngo này được đóng bằng gỗ quý, vẫn còn tốt, phần hư hỏng được sửa chữa lại, nhà chùa xây dựng mái che, bảo quản cẩn thận ghe ngo cổ làm hiện vật kỷ niệm; một bộ dàn nhạc ngũ âm, làm bằng đồng; 01 hòm cổ của người Khmer làm bằng gỗ quý; 01 tượng phật làm bằng đá nguyên khối, có niên đại trên 100 năm.
Lễ hội dân gian Chôl Chhnăm Thmây diễn ra tại Chùa Rạch Giồng.
Chùa Rạch Giồng là sản phẩm văn hóa tiêu biểu được kết tinh từ bàn tay khéo léo, những tinh hoa đầy sức sáng tạo của người Khmer. Chùa không chỉ là biểu hiện của tinh thần mộ đạo, phản ánh tiến trình phát triển của lịch sử phật giáo Khmer Nam Bộ mà chùa còn là hiện thân của tâm hồn những người nông dân Khmer chất phác, thật thà trong quá trình khai phá đất hoang, lập kế sinh nhai ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc.
Trải qua hơn 230 năm, kể từ khi được khởi dựng, chùa vẫn còn giữ lại được nét kiến trúc truyền thống của chùa Khmer. Đó là sự phong phú đa dạng, rất đặc sắc về hình lẫn hồn. Mỗi hình khối, mỗi họa tiết trang trí đều toát lên triết lý phật giáo, Bà La Môn giáo cùng kết hợp hài hòa với dân gian. Rõ nhất là nó kết hợp mật thiết giữa đạo và đời nhưng không hề đối lập. Mỹ thuật trang trí không chỉ làm cho đẹp để chiêm ngưỡng, nó còn là một minh chứng lịch sử cho sự thăng hoa tài năng của những nghệ nhân người Khmer. Chùa đã sử dụng các hoa văn, họa tiết trang trí gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, các biểu tượng Key Nor (nàng tiên nữ), tượng chim thần Krud (Garuda) và hình tượng rắn thần Naga 07 đầu được sử dụng để trang trí làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm của nơi thờ tự.
Đối với đồng bào dân tộc người Khmer, chùa luôn được coi là điểm tựa tâm linh, người dân đến chùa cầu nguyện được sống mạnh khỏe, không bệnh tật, nếu có bệnh tật xin được tiêu trừ. Đồng thời, chùa còn đóng vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng; nơi giao lưu văn hóa bền chặt giữa các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn, các vị sư và Achar đã mở nhiều lớp dạy chữ khmer cho đồng bào và nhân dân địa phương. Qua đó, nhằm duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tượng phật – Một trong những quần thể độc đáo trong khuôn viên Chùa Rạch Giồng.
Trong quá trình hình thành và phát triển, Chùa Rạch Giồng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Chùa vừa làm tròn nhiệm vụ giữ đạo vừa làm tốt vai trò là cơ sở cách mạng, là hậu phương vững chắc và là nơi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng đến đồng bào dân tộc và phật tử. Chùa Rạch Giồng luôn đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị, binh vận, các vị sư và đồng bào phật tử nơi đây một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, bất chấp mọi khó khăn gian khổ sẵn sàng hy sinh để xây dựng cơ sở, nuôi giấu và che chở nhiều cán bộ cách mạng của tỉnh, luôn gắn bó với dân tộc và sự lãnh đạo của cách mạng, không tách rời khối đại đoàn kết dân tộc anh em để tham gia vào sự nghiệp đấu tranh chống Pháp và Mỹ xâm lược, góp phần giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.
Ngày 09/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định xếp hạng Chùa Rạch Giồng (Chùa Serymengcol) là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Các tin khác
- (02/10/2023)
- (29/09/2023)
- (23/05/2023)
- (20/02/2023)
- (31/01/2023)
- (17/11/2021)
- (16/11/2021)
- (11/11/2021)
- (05/11/2021)
- (27/07/2020)
Trang đầu 1 2 3 4 5 Trang cuối