Di tích cấp tỉnh

Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt

20/02/2023 09:37:22 AM
Màu chữ Cỡ chữ

Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Khu ủy khu Tây Nam Bộ, thuộc kinh Công Nghiệp, ấp 9, xã Khánh Lâm, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nay là xóm Khmer Lớn, ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau (cách trung tâm huyện U Minh khoảng 14 km, cách UBND xã Khánh Hòa khoảng 3 km).
 

Khuôn viên bên trong Khu di tích lịch sử Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt.
 

Nguyên nhân thay đổi tên gọi địa điểm di tích là do quá trình thay đổi địa giới hành chính trong thời chống Mỹ và sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Tháng 6/1956, Xứ ủy Nam Bộ quyết định thành lập tỉnh Cà Mau gồm 5 huyện: Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước, Châu Thành, Ngọc Hiển. Ba xã Khánh Lâm, Khánh An, Nguyễn Phích thuộc huyện Trần Văn Thời. Đến ngày 20/5/1979, khi huyện U Minh được thành lập, tách ra từ huyện Thới Bình, 3 xã Khánh Lâm, Nguyễn Phích, Khánh An thuộc huyện U Minh. Xã Khánh Hòa là 1/5 xã được tách ra từ xã Khánh Lâm cùng thời điểm đó cho đến nay. Kinh Công Nghiệp hiện nay gọi là xóm Khmer Lớn, thuộc ấp 6, xã Khánh Hòa.

Tháng 10/1970, đồng chí Võ Văn Kiệt về R (Trung ương Cục) nhận nhiệm vụ Bí thư Khu ủy khu Tây Nam Bộ, rồi từ đất bạn Campuchia đi đường công khai qua Châu Đốc, Rạch Giá để về Cà Mau. Văn phòng Khu ủy đón đồng chí tại Kênh 9, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, sau đó đưa về cơ quan của Khu ủy tại rạch Nước Trong, phía đông bắc ngã ba Cây Tàng, xã Tân Tiến, huyện Ngọc Hiển (nay là huyện Đầm Dơi). Trước đó, căn cứ Khu ủy đóng tại xã Khánh Lâm, huyện Trần Văn Thời nhưng do địch đánh phá ác liệt nên dời xuống Cây Tàng, xã Tân Tiến. Ngày 26/10/1971, cơ quan Thường trực Khu ủy rời rạch Nước Trong, ngã ba Cây Tàng để dời lên Kinh 25, gần Kinh Năm Đất Sét (tức Kinh 24), xã Khánh Lâm.

Tình hình T3 (Khu Tây Nam Bộ), nhất là Cà Mau, từ sau Tết Mậu Thân địch phản kích điên cuồng. Tháng 11/1968, Mỹ - ngụy thành lập căn cứ Hải quân ở Năm Căn, dùng chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” kết hợp với máy bay, tàu chiến, phi pháo và bộ binh tiến hành bình định vùng Nam Cà Mau. Cuối năm 1969 đến đầu năm 1972, Mỹ - ngụy chiếm đóng tại huyện Trần Văn Thời từ 3 đồn lên 64 đồn. Trong đó, chúng xây dựng “Căn cứ nổi” tại Vàm sông Ông Đốc, tái chiếm Chi khu Rạch Ráng, xây dựng 04 căn cứ quân sự kiên cố là “Bình Tây” tại Cầu Chữ Y, xã Trần Hợi; Kinh Cùng, xã Khánh Bình Đông; “Hòa Bình”, tại Bà Thầy, xã Nguyễn Phích; “Lâm Dương”, tại Nổng Cạn, xã Khánh Lâm hình thành thế trận bao vây, chia cắt U Minh. Tất cả các căn cứ quân sự này đều có từ 8 đến 12 khẩu pháo 105 và 155 li, do bọn Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 chiếm giữ, liên tục càn quét, tiêu diệt lực lượng ta. Cùng thời gian này, địch chiếm đóng đến 35 đồn bót tại huyện Thới Bình, xây dựng căn cứ pháo binh tại kinh Tám Ngàn, đưa bọn Trung đoàn 33, Sư đoàn 21, chà đi, xát lại khu vực căn cứ Xứ ủy Nam Bộ ngày xưa. Ở Kiên Giang chúng xây dựng một căn cứ quân sự kiên cố mang tên “Rạng Đông” tại kinh xáng Thứ 11, thuộc U Minh Thượng để bao vây, tiêu diệt lực lượng ta. Như vậy chúng đã chiếm đóng ngay các “yết hầu” của ta và liên tục càn quét bắn giết vô cùng ác liệt.
 

Nơi trưng bày các hiện vật có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt.
 

Xã Khánh Lâm là nơi diễn ra 4 lần chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” với khối lượng bom đạn khổng lồ. Đồng bào tản cư đi khắp nơi, nhà cửa tan nát, thôn xóm tiêu điều. Một số ít người dân cũng như cán bộ bám đất, bám vườn phải cất chòi ở tạm trong những lùm cây sau hậu đất. Đời sống vô cùng khốn khổ.

Thực hiện Chỉ thị 01/71-CT của Trung ương Cục, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt, Khu ủy khu Tây Nam Bộ đã nghiêm túc kiểm thảo, đánh giá tình hình địch, ta trong khu từ sau Tết Mậu Thân 1968, đề ra kế hoạch phục vụ trọng tâm công tác là “Tiếp tục thực hiện chiến tranh nhân dân chống địch bình định nông thôn, kiên trì bám dân, bám đất, xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, binh vận, đưa phong trào ba mũi tiến công địch, từng bước tiến lên”. Chống lại cuộc càn quét lớn của địch vào U Minh, du kích xã, ấp cùng các đơn vị bảo vệ, tự vệ cơ quan Khu ủy và Quân khu bám trụ đánh địch liên tục, bảo vệ nhân dân, cơ quan, quân, dân y, nhà in, kho tàng, giữ vững được giao thông liên lạc trong căn cứ, từ đó tình hình có nhiều chuyển biến, đồn bót địch liên tục bị tiêu diệt, vùng giải phóng được mở rộng.

Tháng 4/1972, khi căn cứ Lâm Dương (Nổng Cạn) cùng đồn bót của địch tại xã Khánh Lâm tháo chạy, nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt và các đơn vị có liên quan được đặt vấn đề xây dựng. Sau đó chọn bờ đìa ở hậu đất của người dân, nơi tiếp giáp với rừng chồi để “xây dựng một số láng trại, đưa thương binh, bệnh binh về đây an dưỡng” (không thể nói thật là xây dựng nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt). Vì ở U Minh quá nhiều muỗi nên anh em làm nhà cho đồng chí Võ Văn Kiệt trên bờ chuối, chung quanh chắn lưới mành mành, cạnh đó làm hầm tránh phi pháo khá kiên cố.

Là một người luôn năng động, đi sát thực tiễn, bám sát chiến trường, luôn luôn sáng tạo, quyết đoán, có uy tín cao trong nhân dân và lực lượng vũ trang. Tại đây, đồng chí Võ Văn Kiệt đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, nắm bắt tình hình, đi vào dân, gặp gỡ các đơn vị vũ trang để vừa tìm hiểu, vừa động viên, củng cố tư tưởng cán bộ, chiến sĩ. Đã cùng tập thể Khu ủy khu Tây Nam Bộ đánh giá tương quan lực lượng địch - ta mạnh, yếu thế nào, tìm ra ưu, khuyết điểm, bài học kinh nghiệm từ sau Tết Mậu Thân 1968. Trên cơ sở đó, tạo được sự đồng tình, đoàn kết, nhất trí trong Khu ủy, đề ra chủ trương mới chống địch bình định nông thôn với khẩu hiệu: “Tất cả cho cơ sở, tất cả để đánh địch, giành dân, giành quyền làm chủ ở xã, ấp”; tiến công địch bằng 3 mũi giáp công; tình thế cách mạng thay đổi, từng mảng đồn bót, ấp chiến lược của địch bị tiêu diệt, tan rã; cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vô cùng phấn khởi. Một sự kiện độc đáo khẳng định chủ trương đúng đắn của đồng chí Võ Văn Kiệt là quân địch tập trung đến 75 lượt tiểu đoàn đánh vào Chương Thiện, nay thuộc tỉnh Hậu Giang. Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch bình định lấn chiếm sau hiệp định Paris 1973 không những đã đánh bại chiến thuật, mà còn làm sụp đổ ý đồ chiến lược của Mỹ - ngụy muốn giành thế mạnh trong giải pháp chính trị, góp phần tạo ra bước ngoặt, đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của địch.

Đầu năm 1974, đồng chí Võ Văn Kiệt được bổ sung vào Ban thường vụ Trung ương Cục miền Nam, phụ trách Thường trực và khối Dân vận, Binh vận. Từ đó, đồng chí rời U Minh, đến Kiên Giang, An Giang, qua Campuchia, lên Tây Ninh, về căn cứ Trung ương Cục.

Với bản lĩnh của mình, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tham mưu cho Đảng nhiều vấn đề hệ trọng và quý giá. Riêng trên chiến trường Tây Nam Bộ, sau Hiệp định Paris đã giúp Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng có chủ trương, sách lược và phương châm đúng đắn, thúc đẩy nhanh những diễn biến của cục diện chiến trường, sớm đi đến đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.
 

Di tích lịch sử Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt có nghĩa quan trọng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn không bao giờ vơi cạn của Đảng bộ, dân và quân Cà Mau.
 

Khánh Lâm là điểm đứng chân chỉ đạo tương đối lâu của các cơ quan Khu ủy và đồng chí Võ Văn Kiệt, trong khí thế quật nhào quân địch kể từ khi đồng chí Võ Văn Kiệt về Khu ủy T3. Tính lịch sử đáng ghi nhận là Khu ủy T3 bị địch tập trung toàn lực, quyết “nhổ cỏ” bằng hết lực lượng ta. Chúng đã chiếm đóng gần như dày đặc khu vực U Minh và các huyện lân cận. Nhưng từ cuối năm 1970 đến cuối năm 1973, hầu hết đồn bót địch, kể cả các căn cứ quân sự kiên cố nhất của chúng ở khu vực U Minh đều bị san bằng, trong đó huyện Thới Bình là một điển hình đặc biệt.

Di tích lịch sử Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt nằm trên phần đất của ông Đỗ Minh Thuần quản lý. Hiện nay, chỉ còn lại địa điểm nhà và hầm tránh phi pháo của đồng chí Võ Văn Kiệt. Ngày 07/11/2016, UBND tỉnh Cà Mau quyết định xếp hạng địa điểm nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt, ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ngày 31/3/2022, Khu di tích lịch sử Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt được khởi công xây dựng và khánh thành vào ngày 16/02/2023. Công trình gồm 14 hạng mục trên diện tích hơn 1.800 m2, với tổng mức đầu tư gần 6,4 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Đây là công trình văn hóa, lịch sử có nghĩa quan trọng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn không bao giờ vơi cạn của Đảng bộ, dân và quân Cà Mau. Đồng thời là “địa chỉ đỏ” góp phần quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng tại địa phương, làm sống lại quá khứ hào hùng của biết bao cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

NT

Các tin khác

  • (23/05/2023)
  • (31/01/2023)
  • (17/11/2021)
  • (16/11/2021)
  • (15/11/2021)
  • (11/11/2021)
  • (05/11/2021)
  • (27/07/2020)
  • (26/03/2020)
  • (26/03/2020)
  • Trang đầu 1234 Trang cuối