Di tích cấp tỉnh

Chùa Đầu Nai – SERAYCHUMBOTUMENCHEY

23/05/2023 09:54:33 AM
Màu chữ Cỡ chữ

Chùa Đầu Nai – SERAYCHUMBOTUMENCHEY (tên gọi đầy đủ tiếng Khmer) tọa lạc tại Ấp 2, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình. Tên chùa mang ý nghĩa là “Liên hoa thắng hội”. Tên gọi dân gian là “Chùa Đầu Nai”, do vị trí chùa nằm gần kênh Đầu Nai.
 

Tăng xá Chùa Đầu Nai.
 

Chùa Đầu Nai – SERAYCHUMBOTUMENCHEY là ngôi chùa Khmer đầu tiên trên địa bàn tỉnh Cà Mau, được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVII, lần đầu được xây dựng với tên gọi là Chùa Cổ Cò – Om Boc Oc, tại xã Tân Phú, huyện Thới Bình, chủ yếu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, dạy chữ cho dân làng và phật tử. Về sau, do địa hình không phù hợp cho việc tín ngưỡng tâm linh, cũng như không bảo vệ được phật tử, không vận động được các gia đình phật tử bám đất, bám vườn, cho nên vào năm 1830, Ban Quản trị chùa quyết định dời chùa về tại Ấp 2, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình ngày nay, với tên gọi là Chùa Đầu Nai – SERAYCHUMBOTUMENCHEY. Tên gọi Chùa Đầu Nai là người địa phương gọi theo tên con kênh Đầu Nai trước cổng chùa. Chùa được Bà Lớn hiến 10ha đất và xây dựng chánh điện bằng cây gỗ trắc, có chạm khắc hoa văn rất đẹp. Vào những năm thực dân Pháp đô hộ, chúng ra sức càn quét, cướp bóc, đốt chùa nhiều lần. Đến năm 1997, chùa được trùng tu và xây dựng lại như ngày nay. Riêng chánh điện hiện nay được cất tạm bằng cây gỗ địa phương, mái lợp tôn. Chùa do Đại đức Tà Hêl sáng lập, hệ phái Nam Tông Khmer, đến nay đã trải qua 24 đời Trụ trì.

Chùa Đầu Nai – SERAYCHUMBOTUMENCHEY là một trong những  ngôi chùa Khmer nằm trong vùng giải phóng, có vị trí đặc biệt, Chùa đã trở thành cơ sở hoạt động cách mạng, là hậu phương vững chắc hỗ trợ rất nhiều cho phong trào cách mạng của tỉnh Cà Mau trong những giai đoạn khó khăn. Từ ngôi chùa này, những nhà sư yêu nước đã hoạt động tích cực trong phong trào giải phóng, nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc và có nhiều đóng góp trong nhiệm vụ đấu tranh vì hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Chùa có công nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, chiến sĩ, đào tạo nhiều lớp thế hệ sư sãi giác ngộ lý tưởng cách mạng; nhiều cán bộ Tây Nam Bộ đã được chùa che chở, tận tình giúp đỡ trong thời gian địch đẩy mạnh khủng bố những người hoạt động cách mạng. Đồng thời, chùa cũng là nơi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng đến đồng bào dân tộc Khmer và đông đảo Nhân dân thông qua đội dù kê (ngày nay, đội dù kê còn hoạt động tại ấp Ta Ba Sa, xã Tân Phú, huyện Thới Bình); chùa luôn đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị, binh vận, các vị sư và các gia đình phật tử nơi đây một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng. Tại đây, có rất nhiều vị Sư và Achar đã trưởng thành trong hoạt động cách mạng, nhiều người trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Đây còn là, địa điểm gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ của Nhân dân ta.
 

Giảng đường Chùa Đầu Nai.
 

Chùa Đầu Nai – SERAYCHUMBOTUMENCHEY có tổng diện tích khoảng 03 ha. Quần thể kiến trúc ngôi chùa gồm có các công trình chính như: Cổng chính, Chánh điện, Salaten (nhà hội, giảng đường, gọi tắt là Sala), nhà ăn, nhà tăng (tăng xá, nhà thờ phật, cây cổ thụ). Ngoài ra, còn có pachha (lò hỏa táng) và một số công trình phụ khác như tháp nước, nhà bếp,... Nhìn chung, các hạng mục công trình xây dựng đang xuống cấp nghiêm trọng và nhà chùa đang từng bước xây dựng lại các hạng mục công trình.

Hàng năm, có nhiều lễ hội định kỳ được diễn ra trong khuôn viên chùa, như: Lễ dâng áo cà sa (lễ dâng Y Kathina), được tổ chức từ ngày 16 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10 âm lịch; lễ đặt cơm vắt (Phua Chum Bon) diễn ra trong vòng nửa tháng vào cuối tháng 8, hay Lễ Phật Đản (Bon Visaka Bochesa), được tổ chức vào rằm tháng 4 âm lịch. Đây là lễ lớn trong đạo Phật, đã trở thành phong tục, ấn tượng ăn sâu vào tâm trí mỗi người dân Khmer nơi đây.

Ngoài những lễ hội tôn giáo được người dân chú trọng, các lễ hội dân gian cũng được diễn ra trong chùa một cách sôi nổi, tiêu biểu là: Chol Chhnam Thmay, lễ cúng Trăng (Ok Om Bok), lễ cúng ông bà (Sen Dolta), không chỉ có những tín đồ phật giáo mà còn có sự tham gia của hầu hết người dân nơi đây. Không khí lễ hội diễn ra nhộn nhịp và náo nức, nghệ thuật cổ truyền của người Khmer được phát huy giá trị như sân khấu truyền thống Yukê, Rôbăm, múa dân gian. Trong các buổi trình diễn văn nghệ mang đầy bản sắc văn hóa, toàn thể đồng bào người Khmer nơi đây quần tụ tại chùa để cùng nhau múa hát, tiến hành các nghi lễ truyền thống. Không dừng lại ở đó, chùa còn là nơi họp dân để bàn những vấn đề có liên quan như tu sửa chùa, tổ chức các ngày hội, giải quyết những bất hòa, mâu thuẫn của cá nhân, tập thể sống trong xóm giềng thể hiện tính cộng đồng sâu sắc.

Chùa Đầu Nai – SERAYCHUMBOTUMENCHEY là một ngôi chùa được hình thành sớm nhất ở tỉnh Cà Mau. Chùa như là “Hoa sen hội tụ đắc thắng” và là công trình quan trọng nhất của cộng đồng dân cư, là biểu tượng tinh thần đoàn kết của đồng bào dân tộc Khmer, hoàn thành nhiệm vụ đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, phá tan âm mưu chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo của kẻ thù, góp phần làm nên thắng lợi của Đảng bộ, dân và quân tỉnh nhà.

Việc gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Khmer có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ luôn hướng về cội nguồn dân tộc, đồng thời tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh để đoàn kết tập hợp thanh niên trong cộng đồng.

Ngày 17/01/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 81/QĐ-UBND xếp hạng Chùa Đầu Nai – SERAYCHUMBOTUMENCHEY là di tích lịch sử cấp tỉnh.

NT

Các tin khác

  • (20/02/2023)
  • (31/01/2023)
  • (17/11/2021)
  • (16/11/2021)
  • (15/11/2021)
  • (11/11/2021)
  • (05/11/2021)
  • (27/07/2020)
  • (26/03/2020)
  • (26/03/2020)
  • Trang đầu 1234 Trang cuối