Di tích quốc gia

Địa điểm chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là di tích lịch sử cấp quốc gia

25/10/2019 08:50:37 AM
Màu chữ Cỡ chữ


Địa điểm chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, thuộc ấp Chà Là, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.
 


Lễ động thổ xây dựng Khu di tích Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là.


Tháng 9/1963, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu (T3), Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau chủ trương mở chiến dịch tấn công quân sự, nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy, mở rộng vùng giải phóng Nam Cà Mau, Cái Nước và Đầm Dơi là hai chi khu (quận lỵ) ở phía Nam Cà Mau, cách nhau 20km được chọn làm mục tiêu chính. Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định tiêu diệt Chi khu Đầm Dơi và Cái Nước trong một đêm, tiến công các đồn bót xung quanh, chặn đánh địch tăng viện. Cùng lúc đẩy mạnh tấn công các hậu cứ, sân bay, sở chỉ huy địch ở Cần Thơ, Sóc Trăng và các tỉnh. Tiến công địch bằng 03 mũi giáp công, nhổ đồn bót, phá ấp chiến lược. Thời gian nổ súng tiêu diệt hai chi khu được quy định thống nhất vào đêm ngày 09 rạng sáng ngày 10 tháng 9/1963
Diễn biến trận đánh Chi khu Đầm Dơi

Chi Khu Đầm Dơi gồm một tứ giác dinh quận, một đồn tam giác, được Mỹ -Diệm xây dựng kiên cố từ năm 1955. Xung quanh chi khu và Hội đồng xã có bờ tường bao bọc, có ụ chiến đấu. Các góc tường có lô cốt bằng bê tông, ngoài bờ tường có rào thép gai, bãi mìn dày đặc, giữa tứ giác có một tháp canh cao từ khoảng 7 mét, có hỏa lực mạnh trên tháp. Quân số địch có 177 tên gồm: 01 đại đội bảo an, 01 trung đội dân vệ, cảnh sát và Hội đồng xã Tân Duyệt. Trang bị ngoài súng bộ binh cá nhân còn có 02 súng cối 81 ly, 02 súng cối 60 ly, 01 đại liên 30.

Về phía lượng lực ta: Tiểu đoàn U Minh 1 được tăng cường một trung đội cảnh sát đặc công, 01 đại đội DKZ 75 của Quân khu; có nhiệm vụ vận động tập kích tiêu diệt toàn bộ quân địch, san bằng Chi khu Đầm Dơi, hỗ trợ quần chúng phá ấp chiến lược.

Ban chỉ huy trận đánh Chi khu Đầm Dơi gồm các đồng chí Nguyễn Đệ (Ba Trung), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn U Minh 1; đồng chí Vưu Hoài Thanh (Tư Bằng), Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy; đồng chí Hai Bằng, Chính trị viên, Tiểu đoàn phó.

03 giờ sáng ngày 10/9/1963, Tiểu đoàn bí mật triển khai xong các mũi vào được vị trí chiến đấu. Đến 04 giờ 10 phút ngày cùng ngày lực lượng ta nổ súng tiến công, chiến sự diễn ra ác liệt, sau hai giờ chiến đấu kiên cường dũng cảm, Tiểu đoàn đã cơ bản đã tiêu diệt quân địch trong Chi khu Đầm Dơi, đồn Nhà Lầu và Hội đồng xã. Diệt 110 tên, bắt sống 48 tên, thu 86 súng, có một cối 60mm và thu 05 máy thông tin, nhiều đồ dùng quân sự. Ta hy sinh 14 và bị thương 27 đồng chí.

 


Tiểu đoàn U Minh 1 đưa pháo vào trận địa Đầm Dơi, năm 1963. Ảnh tư liệu.


Sau khi đánh xong Chi khu Đầm Dơi, Tiểu đoàn U Minh 1 rút về tạm dừng ở rạch Bàu Sen (cách Nam Chi khu 7km). Bộ đội ta chưa kịp đào công sự thì địch đã cho máy bay xuống ném bom, bắn phá và đổ quân phản kích; quân ta tiếp tục đánh thiệt hại nặng 01 Tiểu đoàn của địch, diệt, làm bị thương và bắt sống hơn 200 tên địch, bắn rơi 03 máy bay, làm bị thương 06 chiếc khác. Riêng du kích xã Tân Duyệt bắn hư 01 máy bay, thu 12 súng, cùng ngày địch đổ quân xuống ấp Tân Hiệp Lợi để phản kích và giữ xác máy bay rơi, cũng ngay trong đêm địa phương quân Đầm Dơi tổ chức tập kích địch đang cụm quân dã ngoại. Do địa hình không thuận lợi, địch lại ở trên các bờ đìa, bờ ruộng, còn quân ta thì ngoài ruộng nước nên khi nổ súng chỉ diệt được một số tên.

Diễn biến trận đánh Chi khu Cái Nước

 


Thu chiến lợi phẩm trong trận tiêu diệt Chi khu Cái Nước năm 1963. Ảnh tư liệu.


Chi khu Cái Nước cách Tiểu khu An Xuyên 32km về hướng Tây Nam, trên Quốc lộ 1A tuyến Cà Mau - Năm Căn. Chi khu có 2 tứ giác (dinh quận). Cách dinh quận khoảng 500m về hướng Bắc có một đồn tam giác (đồn Lộ Gòn) và 500m về hướng Tây Nam có một đồn tam giác (đồn Bà Lộc), ngoài những đồn chính còn có nhiều tháp canh xung quanh dinh quận.

Chi khu Cái Nước được xây dựng kiên cố từ năm 1955, xung quanh có bờ tường, rào thép gai kết hợp nhiều bãi mìn, ụ chiến đấu thành một hệ thống phòng thủ hỗn hợp, liên hoàn vững chắc. Quân số khoảng 200 tên gồm: 01 đại đội bảo an, 03 trung đội dân vệ và hành chính quận, Hội đồng xã Tân Hưng Đông. Ngoài những trang bị cá nhân cho bộ binh, còn 02 súng cối, 03 đại liên, 10 trung liên. Kết hợp với hệ thống phòng thủ bên trong chi khu, còn có một hệ thống tình báo, gián điệp ở vòng ngoài để theo dõi ta.

Về phía lực lượng ta gồm có: Tiểu đoàn 306, bộ đội chủ lực Khu do đồng chí Trần Tứ Phương (Kiên Cường), làm Tiểu đoàn trưởng cùng địa phương quân 2 huyện Cái Nước, Ngọc Hiển và du kích 04 xã xung quanh. Các đơn vị T70, T80 (đơn vị pháo phòng không) của Quân khu, Tiểu đoàn pháo cao xạ, bộ đội đặc công được giao nhiệm vụ tiêu diệt Chi khu Cái Nước và huy động hàng trăm dân công phục vụ chiến đấu.

Ban chỉ huy trận đánh Chi khu Cái Nước gồm các đồng chí: Nguyễn Hoài Pho (Ba Mai) - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu; đồng chí Trần Tứ Phương (Kiên Cường), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 306; đồng chí Đoàn Quang Vũ (Năm Tân), Chính trị viên Tiểu đoàn; đồng chí Trần Mai Ân (Sáu Vui), Bí thư huyện ủy Cái Nước, Chính trị viên huyện đội.

Thực hiện theo kế hoạch, đúng 0 giờ 30 phút ngày 10/9/1963, các mũi tấn công của Tiểu đoàn 306 đồng loạt nổ súng, sau một giờ chiến đấu, cơ bản ta diệt xong dinh quận, tiếp đó diệt các đồn bót quanh Chi khu. Kết quả diệt tại chỗ 92 tên (01 đại úy), bắt sống 84 tên (có cả quận trưởng và quận phó), còn 20 tên chạy thoát. Thu 94 súng (có 4 khẩu cối 81 và 61). Thu 18 vô tuyến điện, còn hơn 02 tấn đạn. Lực lượng vũ trang của ta và hơn 800 dân công đã san bằng đồn bót, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược tại thị trấn Cái Nước.

Bộ đội địa phương huyện Cái Nước được Tiểu đoàn pháo binh yểm trợ diệt tháp canh Cây Dương, tháp canh chợ, tháp canh Nam Cầu Sắt và tháp canh đầu lộ, diệt đồn Láng Tượng cách Chi khu 700m với một đại đội bảo an và một đoàn bình định.

Sáng ngày 10/9/1963, binh lính đồn Rau Dừa nghe tin Chi khu Cái Nước bị diệt, hoảng sợ bỏ đồn rút chạy về hướng Rạch Ráng, ta phục kích tại lộ xe, diệt một số tên, bắt sống 02 tên, thu 07 súng. Đại đội địa phương huyện Cái Nước trụ lại bảo vệ dân công phá đồn đến hết ngày 10/9/1963, đồng thời bắt thêm 11 tên lẫn trốn ở bãi dừa nước và thu thêm 01 súng.

Diễn biến trận đánh chi khu Chà Là

Cứ điểm Chà Là cách thành phố Cà Mau 30km về hướng Đông - Nam, là cứ điểm kiên cố khống chế vùng tam giác 03 huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn, nhằm đánh phá chia cắt vùng căn cứ của ta. Cho nên chúng chốt ở đây cả quân chủ lực, đại đội bảo an xây dựng một cứ điểm vững chắc và một ấp chiến lược mà chúng gọi là bất khả xâm phạm, được cấp trên của chúng tín nhiệm (đã hai lần tên Tỉnh trưởng và Quận trưởng đến thăm và khen ngợi). Địch đóng tại đây 03 đồn chính theo hình tam giác (một đồn tứ giác làm Dinh quận và hai đồn tam giác). Lực lượng địch đóng ở đây 300 tên (gồm một đại đội chủ lực thuộc Trung đoàn 32 sư 21 Ngụy, một đại đội bảo an hỗn hợp). Đây là một vị trí xây dựng kiên cố, bên trong bờ tường có nhiều tháp canh ụ chiến đấu, bên ngoài có rào thép gai nhiều lớp, có bãi mìn, lựu đạn, hình thành một hệ thống phòng thủ liên hoàn Về phía lực lượng ta: Tiểu đoàn 306, Tiểu đoàn 207 súng máy phòng không Quân khu, lực lượng pháo binh hỗn hợp của Quân khu, Tiểu đoàn U Minh

1, bộ đội địa phương hai huyện Ngọc Hiển (nay là huyện Đầm Dơi), Cái Nước, cùng du kích các xã Trần Phán, Quách Văn Phẩm, Đông Thới, Tân Hưng Đông và Tân Hưng.

Ban chỉ huy trận đánh gồm có các đồng chí: Nguyễn Hoài Pho (Ba Mai), Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu, đồng chí Huỳnh Kim Tấn (Tư Chờ), Phó tư lệnh Quân khu cùng các đồng chí Trần Văn Tập (Hai Đại) Trưởng ban Quân sự tỉnh Cà Mau chỉ huy trận đánh.

Nhiệm vụ giao cho các đơn vị như sau: Tiểu đoàn U Minh 1 phối hợp với bộ đội pháo binh và đặc công quân khu, có nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm, Tiểu đoàn U Minh 1 lúc này có đồng chí Chín Tuyên, Trưởng ban tác chiến làm Tiểu đoàn Trưởng thay đồng chí Ba Trung. Một đại đội của Tiểu đoàn 306 cùng 04 trung đội địa phương huyện Cái Nước chặn đánh quân viện đổ bộ đường không hướng Tây Bắc Chà Là cùng du kích đánh viện. Hai tiểu đoàn súng cao xạ bố trí hướng Đông Chà Là. Địa phương quân Đầm Dơi và một bộ phận pháo ĐKZ quân khu bố trí gần vàm Nhị Nguyệt, chặn viện đường thủy từ Cà Mau. Hai huyện Cái Nước và Đầm Dơi chuẩn bị 1.000 dân công phục vụ chiến trường.

Đúng 0 giờ ngày 23/11/1963 (kỷ niệm 23 năm khởi nghĩa Nam Kỳ), trận tấn công vào cứ điểm Chà Là bắt đầu, Tiểu đoàn U Minh 1 tấn công vào các cứ điểm chính, Tiểu đoàn 306 đánh các cứ điểm chung quanh và cùng lực lượng địa phương đánh viện, sau những loạt đạn của súng cối 81 bắn vào các mục tiêu bên trong và hàng loạt đạn ĐKZ 75 bắn vào lô cốt ngoại vi, các đơn vị ta nhanh chóng diệt các lô cốt xung quanh đánh sập đồn Giá Ngựa và hạ luôn 02 vị trí đồn Chà Là.

Sau hơn 03 giờ chiến đấu với bộ binh và pháo bắn thẳng, pháo vòng cầu, ta tiêu diệt hoàn toàn vị trí Chà Là, đánh thiệt hại nặng đồn Giá Ngựa, tiêu diệt toàn bộ quân địch, bắt sống 30 tên, thu toàn bộ vũ khí, đồng bào bị giam vào 02 ấp chiến lược xung quanh Giá Ngựa và đồn Chà Là nổi dậy phá ấp chiến lược cùng bộ đội san bằng đồn bót kéo về làng cũ. Một số tên sống sót chạy qua Khu nhà máy, ta không tiêu diệt để chúng kêu viện (theo ý đồ của ta). Nên các đơn vị chủ lực của ta nhanh chóng triển khai vị trí chiến đấu, sẵn sàng đánh quân can viện của địch. Lực lượng du kích xã, ấp cùng bộ đội ngụy trang công sự, trận địa, giúp dân các vùng lân cận đào hầm trú ẩn bom pháo. Bộ phận thông tin xã khắp các ấp dùng loa thông báo kịp thời tin chiến thắng, nhắc nhở nhân dân cảnh giác và bình tĩnh đối phó với địch.

8 giờ sáng ngày 24/11/1963, địch tổ chức đổ quân can viện lần thứ nhất, 08 chiếc máy bay B26 tới ném bom ác liệt. Ta giữ bí mật lực lượng, chỉ cho một súng cao xạ bắn rơi 01 máy bay, đến 09 giờ 30 phút, 20 máy bay lên thẳng H47, 10 trực thăng võ trang hộ tống đến đổ quân, bộ đội cao xạ của ta đồng loạt nổ súng, bắn hạ một trực thăng HU1A và 03 trực thăng H47 chở đầy lính, bọn còn lại hốt hoảng không dám hạ cánh.

Đến giữa trưa, địch tổ chức quân chi viện lần hai, 12 chiếc máy bay phản lực bỏ bom bắn phá bình địa những vùng chúng nghi ngờ, lực lượng ta kịp thời củng cố lại công sự. Tiếp đó đoàn trực thăng H47 và phản lực chiến đấu gồm 40 chiếc ném bom bắn phá ác liệt, từng tốp trực thăng lao vào đổ quân. Nhưng trước hỏa lực đối kháng của ta, một số máy bay địch bị bắn rơi, chúng phải đổ quân cách xa trận địa 1km về phía Đông. Theo lệnh chỉ huy bọn lính ngoan cố lội đồng đánh về phía trận địa ta, nhưng bị lực lượng đánh viện của ta ngăn chặn tiêu hao nặng “chôn chân” chúng giữa đồng lúa.

17 giờ chiều cùng ngày, quân địch dưới sự yểm trợ của máy bay Khu Trục và máy bay phóng pháo, 19 máy bay vận tải quân sự C47 và 02 Đakôta thả một tiểu đoàn dù quân tổng dự bị xuống cặp hai bên sông Bảy Háp. Bộ đội cao xạ bắn rơi 02 máy bay Đakôta còn đầy lính chưa kịp nhảy dù. Địch nhảy dù từ cao, gió tạt hầu hết sang bờ kênh Hữu Ngạn, nơi có nhiều trung đội địa phương quân huyện Cái Nước và Tiểu đoàn 306, du kích đã trực sẵn quân dù bị đánh tìm đường tháo chạy thoát thân.

Kết quả sau một ngày đêm chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt cứ điểm Chà Là, diệt một ban hành chánh quận Đầm Dơi, một trung đội dân vệ, đánh thiệt hại nặng một đại đội chủ lực, một đại đội bảo an. Ba đợt đánh quân can viện địch đã bị thiệt hại nặng, gồm một tiểu đoàn lính dù, một tiểu đoàn chủ lực (thuộc trung đoàn 32 sư 21 ngụy) loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên, bắn rơi 19 máy bay (02 Đakôta, 01 B26, 01 khu trục, 15 máy bay lên thẳng - H47 và HU1A), thu 500 dù. Ngày 26 - 27/11/1963, địch cho máy bay khu trục yểm trợ máy bay lên thẳng đến thu dọn chiến trường, ta bắn rơi 02 máy bay lên thẳng.

Chiến thắng Đầm Dơi – Cái Nước - Chà Là là một thành công lớn của quân dân ta trong việc thực hiện phương trăm “hai chân, ba mũi” (vũ trang - chính trị - chính trị - binh vận), phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là là hai trong bảy trận thắng lớn của quân nhân miền Nam trong năm 1963, ta đã tiêu diệt nhiều địch, gỡ nhiều đồn bót và phá tan từng ấp chiến lược, vùng giải phóng được mở rộng, trận Chà Là không những loại địch ra khỏi vòng chiến đấu mà còn góp phần đánh bại chiến thuật “trực thăng vận và quân dù” của Mỹ - ngụy.

Ngày 18/8/2016, di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là (xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) được Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

NT

Các tin khác

  • (31/03/2020)
  • (23/03/2020)
  • (23/03/2020)
  • (25/10/2019)
  • (25/10/2019)
  • (25/10/2019)
  • (25/10/2019)
  • (25/10/2019)
  • (01/12/2013)
  • (01/12/2013)
  • Trang đầu 12 Trang cuối