Khoa học - Kỹ thuật

Giải pháp sản xuất lúa an toàn

15/11/2018 03:30:42 PM
Màu chữ Cỡ chữ


Kính thưa hội nghị!

Trước hết, thay mặt cho hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn, tôi xin gởi lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe đến quý vị đại biểu và chúc “Hội thảo về giải pháp sản xuất lúa an toàn” tổ chức thành công tốt đẹp.

Kính thưa quý vị đại biểu!

 

Cần lựa chọn sản xuất các nhóm giống lúa chất lượng cao để giảm được lượng lúa giống gieo sạ, lúa ít lẫn tạp, năng suất và chất lượng cao. Ảnh: Ngọc Thu.


Mặc dù Việt Nam có sản lượng xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, nhưng về giá trị thì rất khiêm tốn, vì gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình thấp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, để gạo Việt Nam có thể thâm nhập các thị trường lớn, tăng tính cạnh tranh cao và bền vững thì việc chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao và an toàn, xây dựng vùng nguyên liệu lúa an toàn, gạo an toàn gắn với doanh nghiệp tiêu thụ là một hướng đi đúng, nhằm tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân để tái cơ cấu ngành lúa gạo đi theo hướng chuyển từ thị trường cấp thấp sang dần các thị trường cấp cao và từng bước xây dựng được thương hiệu lúa gạo.

Kính thưa quý vị đại biểu!

HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn được thành lập vào tháng 9/2014, qua 4 năm xây dựng và phát triển, HTX từng bước nhận ra vấn đề nhất thiết phải sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao và an toàn để phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện nay, tăng chất lượng sản phẩm lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế cho thành viên.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Vụ Hè Thu năm 2018 vừa qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp “Lựa chọn sản xuất các nhóm giống lúa chất lượng cao (ST24, OM5451), ứng dụng IPM vào quản lý đồng ruộng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ít độc, ưu tiên sử dụng sản phẩm sinh học và sản phẩm có nguồn gốc sinh học, đăng ký sản xuất lúa an toàn với diện tích 72 ha” đạt được một số kết quả cụ thể:

- Về công tác sản xuất: Trước đây tập quán nông dân và thành viên HTX quen với việc sạ khô (tốn giống, lúa lẫn, lúa cỏ nhiều, chất lượng lúa gạo kém, năng suất thấp); từ khi HTX triển khai sản xuất nhóm giống lúa chất lượng cao (ST24), đây là giống lúa đòi hỏi nông dân sản xuất phải đảm bảo độ lẫn thấp, vì vậy bà con chuyển từ phương pháp sạ khô sang sạ gát; kết quả giảm được lượng lúa giống gieo sạ, lúa ít lẫn tạp, năng suất và chất lượng cao.

- Về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật: HTX triển khai cho nông dân và thành viên sản xuất theo hướng “3 giảm 3 tăng”, áp dụng IPM (đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chuyển giao) vào quản lý đồng ruộng; triển khai cho bà con đăng ký sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau.

- Về liên kết tiêu thụ lúa an toàn: Vụ Hè Thu năm 2018 vừa qua HTX Kinh Dớn có mời Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát xuống xem đồng và thu mua lúa an toàn mà nông dân và thành viên đã đăng ký sản xuất từ đầu vụ. Sau khi trao đổi, bàn bạc, phía Công ty Ngọc Quang Phát thống nhất mua cho bà con với giá cao hơn thị trường từ 200 đến 300 đồng/kg lúa tươi.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa hội nghị!

    Để phát triển sản phẩm lúa gạo chất lượng cao theo hướng an toàn bền vững, đưa ngành lúa gạo hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, điều tiên quyết phải tổ chức lại sản xuất, sản xuất tập trung, hình thành cánh đồng lớn, liên kết hộ nông dân; tổ chức mô hình hợp tác xã kiểu mới để mang lại thu nhập tốt nhất cho người trồng lúa. Khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt trong tổ chức sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng với đó là vấn đề phát triển thị trường mới. Một số giải pháp đề xuất như:

- Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong chọn tạo giống lúa: Tập trung nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm có giá trị và khả năng cạnh tranh cao, chống chịu tốt với sâu bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để nâng cao tỷ lệ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất về giống xác nhận; kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng; 1 phải 5 giảm; sản xuất lúa an toàn; sản xuất lúa theo quy trình GAP, hữu cơ; tiếp tục đẩy nhanh ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất lúa để giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng hiệu quả sản xuất, giảm giá thành và tăng thu nhập cho nông dân.

- Về tổ chức sản xuất: Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các hợp tác xã kiểu mới sản xuất kinh doanh lúa gạo nhằm tập hợp nông dân sản xuất theo qui mô lớn. HTX đóng vai trò đại diện cho nông dân ký hợp đồng, liên kết với doanh nghiệp; tổ chức các dịch vụ chung như: Cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ bảo vệ thực vật, sấy, bảo quản, tạm trữ, tìm đầu ra cho sản phẩm, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng thu nhập cho từng hộ nông dân.

- Về liên kết tiêu thụ: Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu cánh đồng lớn sản xuất lúa, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Từ cánh đồng lớn, tiến tới vùng chuyên canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng lớn đồng đều, bảo đảm chất lượng, tăng giá trị hàng hóa và tăng thu nhập, nghiên cứu xây dựng thương hiệu lúa gạo giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường.

Trên đây là một số ý kiến tham luận của HTX Kinh Dớn, kính chúc quý đại biểu sức khỏe, chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

 

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn

Các tin khác

  • (22/05/2020)
  • (29/11/2018)
  • (21/11/2018)
  • (15/11/2018)
  • (13/11/2018)
  • (09/11/2018)
  • (05/11/2018)
  • (29/10/2018)
  • (26/10/2018)
  • (25/10/2018)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối