Khoa học - Kỹ thuật

Phát triển tôm siêu thâm canh ở tỉnh Cà Mau – Thực trạng và giải pháp

15/11/2018 01:56:20 PM
Màu chữ Cỡ chữ


    I. Tình hình chung trong tỉnh Cà Mau

Chỉ trong thời gian từ gần cuối năm 2015 – 2018 có rất nhiều hộ dân ở trong tỉnh Cà Mau, nhất là các huyện như: Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn… đã mạnh dạn chuyển từ mô hình nuôi tôm ao đất sang mô hình nuôi tôm ao bạt hay gọi là nuôi tôm siêu thâm canh, mang lại hiệu quả vượt trội; đồng thời, lợi nhuận cũng tăng lên đáng kể, sản lượng cao, tỷ lệ thành công lớn, chính vì thế đã và đang tạo đà cho diện tích nuôi siêu thâm canh tăng nhanh đáng kể, tạo ra bước đột phá mới, mở ra triển vọng cho ngành tôm của tỉnh Cà Mau nói riêng và mang con tôm Việt Nam ra khắp thị trường trên Tthế giới.

Ao vèo phải trải bạt và che lưới lan 100%. Ảnh: Ngọc Thu.


    II. Thực trạng tình hình sản suất của gia đình tôi

Trước đây gia đình tôi cũng nuôi tôm quản canh, quản canh cải tiến rồi chuyển sang thâm canh, nhưng lợi nhuận bấp bênh, nguyên nhân là do ao đất khi nuôi được 1 - 2 vụ thì đất bị nhiễm khuẩn, vật chủ trung gian như: Chim, cò, cua mang mầm bệnh từ bên ngoài vào ao, cộng với thời tiết thất thường nên lợi nhuận từ những mô hình này rất thấp, có năm lỗ vài trăm triệu đồng.

Đúc kết thất bại từ những mô hình trên tôi quyết tâm không bỏ cuộc nên đã đi tìm tòi và học hỏi những mô hình nuôi tôm tiên tiến hơn và tôi cũng đã tìm được mô hình nuôi tôm siêu thâm canh (ao lót bạt hoàn toàn, có rào bạt ngăn cua, cồng, trên thì che lưới lan, lưới lan vừa che được nắng và hạn chế tảo; đồng thời, ngăn được chim, cò mang mầm bệnh xuống ao).

Tôi khởi công làm từ năm 2016, khu A với diện tích 1,2 ha, gồm 1 ao vèo, 2 ao nuôi, 2 ao lắng, 1 khu chứa thải, 1 khu chứa nước lắng thô, trung bình mỗi năm sản xuất theo mô hình nuôi tôm siêu thâm canh này thì năng xuất đạt khoản từ 40 - 60 tấn/ha/năm.

Trước đây, tôi cũng làm theo mô hình CP, Biofloc, nhưng đã qua 3 năm sản xuất theo quan điểm cá nhân tôi thì ta nên kết hợp 2 mô hình này lại với nhau, tạm thời tôi gọi là mô hình CPFLOC tuần hoàn nước, từ khi tôi làm theo mô hình này tôi thấy năng xuất rất ổn định, giảm rủi ro đến mức đáng kể. Từ những thuận lợi trên, năm 2018 tôi mở rộng thêm khu B diện tích khoản 1,5 ha, hoàn thành đưa vào sản xuất giữa tháng 5/2018.

Tôi xin tóm tắt quy trình nuôi tôm siêu thâm canh theo mô hình CPFLOC tuần hoàn nước:

Thiết kế ao:

Ao vèo: Đối với nuôi tôm siêu thâm canh cần phải có ao vèo tùy theo diện tích ao nuôi mà thiết kế ao vèo cho phù hợp, mật độ vèo từ 1.000- 5.000 con/m2. Ao vèo phải trải bạt và che lưới lan 100%, có hệ thống sụt khí đáy và quạt, có hệ thống xả qua ao nuôi, đường kính ống xả không nhỏ hơn phi 140, chiều dài ống xả không quá 50m, nếu đường ống xả dài hơn 50m ta nên có một ống lấy khí vào đoạn giữa ống xả.

Ao nuôi: Lót bạt đáy hoàn toàn, có hệ thống sụt khí đáy, quạt, rào bạt mé ngăn vật chủ trung giang, có hoặc không có lưới lan cũng được, ao tốt nhất ta nên thiết kế hình vuông.

Ao lắng: Chiếm 50% diện tích ao nuôi.

Ao lắng thô: Diện tích càng lớn càng tốt.

Ao chứa thải: 15% diện tích ao nuôi, có hệ thống bioga càng tốt.

Quy trình nuôi:

Bước ban đầu ta xử lý nước như quy trình CP, trong giai đoạn vèo từ 1 - 25 ngày tuổi ta nên nuôi theo quy trình semiFloc chỉ cấp nước bù, không thay nước, khi đến giai đoạn 45 ngày tuổi trở đi ta quan sát mức floc trong nước mà tiến hành thay nước để giảm hoặc nâng floc theo ý muốn. Lưu ý, không được để mức floc vượt quá 5 FPV đo bằng phểu đo. Đến giai đoạn từ 60 ngày tuổi trở đi ta thay nước ngày cách ngày gần như quy trình CP, nhưng vẫn duy trì mức floc ở mức từ 1 - 3, vì ta duy trì được floc nó sẽ khống chế được khí độc, ổn định môi trường nước, pH không biến động nhiều trong ngày, khống chế tảo lam, nước xanh.

Nước thay ra ta bơm vào ao lắng thô có thả cá rô phi để tuần hoàn nước vào lại ao xử lý.

    III. Những mặt thuận lợi và khó khăn trong nuôi tôm siêu thâm canh

1. Thuận lợi:

- Hạn chế dịch bệnh.

-  Năng suất cao.

- Lợi nhuận cao.

- Nuôi được nhiều vụ trong năm.

2. Khó khăn:

- Chi phí cao.

- Nguồn điện để cung ứng không đủ, quá tải.

- Ngân hàng không cho những hộ nuôi tôm quảng canh hoặc quảng canh cải tiến vay thế chấp, nếu có cho vay cũng chỉ giải ngân được một số ít.
- Khi mô hình nuôi tôm siêu thâm canh phát triển ồ ạt, khu nuôi không đảm bảo khu chứa thải, hộ dân xả thải trực tiếp ra sông, kênh làm ô nhiễm môi trường nước.

- Giá tôm không ổn định, điển hình như từ đầu năm 2018 giá tôm cứ liên tục giảm, làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất tôm của hộ dân.
- Con giống không đảm bảo chất lượng.
- Giá giống cao.

- Thuốc thủy sản giả tràn ngập thị trường tỉnh Cà Mau.

    IV. Đề xuất kiến nghị.

Từ những mặt thuận lợi và khó khăn trên, tôi có một số kiến nghị với các cấp có thẩm quyền như sau:

- Giá tôm: Vấn đề quan tâm cấp bách ở đây là vấn đề về giá tôm nguyên liệu từ đầu năm 2018 này liên tục giảm mạnh, làm cho nhiều hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh phải điêu đứng về vấn đề giá.

Chính vì thế tôi xin kiến nghị với các cấp lãnh đạo có thẩm quyền xem xét tại sao giá tôm lại giảm mạnh, nguyên nhân và giải pháp khắc phục, vì tỉnh Cà Mau có thế mạnh chủ yếu là con tôm, giá cứ liên tục giảm như thế này những hộ nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung, nếu “treo hầm” hết vì nuôi không có lợi nhuận, sẻ ảnh hưởng đến tình hình khang hiếm tôm, nhà máy không có nguyên liệu sản xuất, kim ngạch xuất khẩu giảm; đồng thời, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta.

- Về điện: Nuôi tôm siêu thâm canh vấn đề quan trọng không thể thiếu đó là điện, những hộ nuôi tôm siêu thâm canh làm mới bây giờ không cho áp giá mà bắt buộc phải hạ bình, nếu tính chi phí làm một ao khoản 1.500 m2 hết 300 triệu đồng; hạ bình 1 pha thì phải hạ bình từ 25-37A, ước giá khoản 100-150 triệu; nếu 3 pha thì chi phí hạ bình tăng lên gấp 3.

Nhiều khu vực điện không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của hộ dân.

- Con giống: Chỉ tính riêng đầu năm nay, tỉnh cũng đã bắt hơn 10 triệu post không rõ nguồn gốc, không giấy kiểm định nhập vào thị trường Cà Mau nói riêng, đó là những lô giống bắt được còn những lô không bắt được đến tay người nuôi sẽ làm thiệt hại rất lớn, chính vì thế tôi xin kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần siết chặt hơn nữa vấn đề nhập – xuất giống ở tỉnh nhà.

- Thuốc: Nguyên nhân nhiều lô hàng tôm xuất khẩu của nước ta bị trả lại là do thuốc (bị nhiễm kháng sinh), do tình hình thuốc giả, kháng sinh tràn ngập thị trường, nên người dân không phân biệt được thuốc nào là thật, thuốc nào là giả, nhiều loại kháng sinh nằm trong danh mục cấm, vẫn được bán đến tay hộ nuôi.  

- Tình trạng ô nhiểm môi trường: Do tình hình diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tăng nhanh nên việc quản lý môi trường không được triệt để, nhiều hộ dân xả thải không qua xử lý trực tiếp ra sông nên tình trạng nước sông ngày càng ô nhiễm.

- Ngân hàng: Xin đề xuất với các cấp có thẩm quyền kiến nghị với ngân hàng cho vay thế chấp đối với những hộ nuôi tôm siêu thâm canh. 
Trên đây là bài tham luận của tôi về vấn đề nuôi tôm siêu thâm canh.
 

Phạm Quốc Sử

Các tin khác

  • (22/05/2020)
  • (29/11/2018)
  • (21/11/2018)
  • (15/11/2018)
  • (13/11/2018)
  • (09/11/2018)
  • (05/11/2018)
  • (29/10/2018)
  • (26/10/2018)
  • (25/10/2018)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối