Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau (1954 – 2024)
Ngày 21/10/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có công văn về việc điều chỉnh nội dung đề cương và khẩu hiệu tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau (1954 – 2024). Cổng Thông tin điện tử tỉnh xin đăng tải toàn văn nội dung Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau (1954 – 2024) đã điều chỉnh.
Liên hoan văn nghệ tiễn bộ đội ta đi tập kết ra Bắc tại thị trấn Cà Mau. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Cà Mau.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (20-7-1954) về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo Hiệp định Giơnevơ, Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời để thực hiện việc tập kết quân của hai bên.
Theo Hiệp định, địa điểm tập kết ở Nam Bộ được chọn tại 03 khu vực: Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân (Xuyên Mộc); Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp và khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau. Khu vực tập kết tại Cà Mau được xác định tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình ngày nay. Đây là nơi tập kết của lực lượng kháng chiến Tây Nam Bộ gồm cả vùng giải phóng cũ và vùng ta mới tiếp quản như: Thị trấn Cà Mau, Tắc Vân, Giá Rai, Hòa Bình và một số chợ khác.
II. NHIỆM VỤ CỦA CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG TRONG 200 NGÀY THỰC HIỆN TẬP KẾT TẠI CÀ MAU
Ngày 25-7-1954, Ủy ban Quân chính thị trấn Cà Mau được thành lập do đồng chí Nguyễn Kỳ Hoàng làm Chủ tịch, có nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý khu vực tập kết cho đến khi bàn giao lại cho đối phương theo quy định. Ngày 27-7-1954, dưới sự chứng kiến của Ủy ban Liên Hiệp đình chiến Nam bộ, Ủy ban Quân chính của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ở Cà Mau tiến hành tiếp nhận những công sở và các công trình công cộng do đại diện quân đội liên hiệp Pháp bàn giao.
Ngày 23-8-1954, địch bàn giao khu tập kết cho ta theo các điều khoản đình chỉ chiến sự theo ranh giới là: Phía Bắc Cà Mau từ vàm sông Cái Lớn tới ngã ba Ngang Dừa, từ rạch Nước Trong tới ấp xẻo Lá; phía Đông chạy dọc theo kênh xáng đến Vĩnh Hưng, từ Vĩnh Hưng theo đường thẳng trục Nam ra biển là khu tập kết 200 ngày của lực lượng kháng chiến Tây Nam Bộ. Thị trấn Hòa Bình (Vĩnh Lợi) là cửa khẩu đi lại của hai vùng. Điểm Chắc Băng và sông Ông Đốc là nơi tập kết của khu vực Cà Mau.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được sắp xếp lại, đồng chí Võ Văn Kiệt phụ trách Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Ung Văn Khiêm chuyển về Trung ương. Nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất của Đảng bộ lúc này là tổ chức sắp xếp lại lực lượng và chuyển hướng công tác đấu tranh cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới; bố trí lực lượng đi tập kết, góp phần xây dựng miền Bắc đồng thời để đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo và chuyên môn trở về phục vụ sự nghiệp cách mạng lâu dài sau này; tranh thủ thời gian 200 ngày tập kết, khẩn trương xây dựng vùng giải phóng cũ, nhất là vùng tập kết do ta quản lý thành vùng tiêu biểu của chế độ dân chủ cộng hòa của ta về chính trị, kinh tế và văn hóa trước khi bàn giao lại cho đối phương.
Ngày 26-8-1954, trong niềm hân hoan phấn khởi, hàng ngàn Nhân dân vùng nông thôn và ven thị trấn rầm lộ kéo vào thị trấn Cà Mau míttinh chào mừng hòa bình lập lại. Đây là lần đầu tiên sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thị trấn Cà Mau rực rỡ dưới rừng cờ đỏ sao vàng, nhiều băng, cờ, khẩu hiệu căng trên đường phố.
- Hoan hô hòa bình lập lại ở Đông Dương!
- Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!
- Hồ Chủ tịch muôn năm!
- Nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình muôn năm!
Đồng chí Nguyễn Kỳ Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thị trấn Cà Mau, phân tích ý nghĩa thắng lợi to lớn của Hiệp định Giơnevơ và vạch rõ con đường tiếp tục đấu tranh trong thời gian tới, đồng thời kêu gọi đồng bào đoàn kết đấu tranh, giữ vững thành quả cách mạng, yêu cầu đối phương phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ, Ủy ban Quân chính tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phân công cán bộ trực tiếp, hướng dẫn Nhân dân học tập Hiệp định đình chiến, đồng thời giúp đỡ đời sống Nhân dân ở các khu vực mới tiếp quản.
Thực hiện nghị quyết của Trung ương về phương châm, nhiệm vụ, sách lược mới của Đảng. Từ ngày 12-9 đến ngày 20-9-1954, Hội nghị mở rộng nhằm quán triệt tình hình, nhiệm vụ phương châm, sách lược mới. Hội nghị đã tập trung thảo luận kế hoạch biện pháp thực hiện hai nhiệm vụ do Trung ương Cục miền Nam đề ra cho Đảng bộ Bạc Liêu - Cà Mau, đó là: Học tập thấm nhuần tình hình, nhiệm vụ, phương châm sách lược mới của Đảng và Chuyển hướng tổ chức, từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị.
Sau khi triển khai chủ trương mới, Tỉnh ủy đã huy động một số cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện cùng phối hợp với một số cán bộ các ngành Nam bộ, mở liên tiếp nhiều lớp đào tạo cán bộ, hướng dẫn cho cấp xã đến ấp, nhằm phát động thành một chiến dịch tuyên truyền sâu rộng trong Đảng bộ và Nhân dân. Hơn 5.000 cán bộ dân quân chính của các huyện, thị: Cà Mau, An Biên, Hồng Dân, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Vĩnh Lợi và thị xã Bạc Liêu đã tham gia học tập và hội họp quần chúng ở xóm, ấp.
Việc bố trí sắp xếp lực lượng đi tập kết, do có thời gian tương đối dài ngày, nên có điều kiện xem xét, cân nhắc chu đáo. Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng công tác tổ chức, xác định rõ “đi, ở đều là nhiệm vụ” từ đó coi việc tập kết là một sự bố trí lực lượng. Đảng viên, cán bộ nòng cốt, có lập trường quan điểm vững vàng, có điều kiện hoạt động bí mật được sắp xếp ở lại để lãnh đạo Nhân dân bước vào cuộc chiến mới. Ngoài lực lượng quân sự, đối tượng đi tập kết trước hết là thương bệnh binh, những cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm sức khỏe giảm sút cần có điều kiện điều dưỡng tốt để phục vụ được lâu dài hơn, những cán bộ trẻ và thanh niên để đào tạo thành cán bộ có trình độ chuyên môn cao để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước sau này. Sau khi đã bố trí xong lực lượng tập kết, số đảng viên còn lại trên 10.000 người được tổ chức sắp xếp theo nguyên tắc hoạt động bí mật, được giáo dục về nhân sinh quan cách mạng, về khí tiết của người đảng viên trước kẻ thù, bồi dưỡng 5 bước công tác cách mạng để sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới. Hệ thống Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp tổ chức tinh gọn chuyển hướng hoạt động bí mật để giữ gìn lực lượng, đặc biệt là tổ chức đưa lực lượng ta vào bộ máy ngụy quân, ngụy quyền để làm cơ sở cách mạng trong thời kỳ chuyển hướng đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị. Phương châm hoạt động của ta lúc bấy giờ là bám sát quần chúng, khai thác chỗ yếu của địch để đấu tranh, đặc biệt là bắt địch phải thực hiện theo điều khoản của Hiệp định.
Cùng với việc sắp xếp lại lực lượng, chuyển hướng công tác tổ chức cho phù hợp với tình hình mới, Đảng bộ, quân và dân Cà Mau tập trung cao độ xây dựng vùng giải phóng và vùng mới tiếp quản. Ở vùng giải phóng cũ, đời sống và sản xuất của Nhân dân cơ bản ổn định. Trong thời gian 200 ngày, thực hiện chủ trương bồi dưỡng sức dân, nhằm xây dựng hậu phương vững chắc cho kháng chiến lâu dài. Chính quyền địa phương tiếp tục giải quyết tạm giao 12.500 ha đất cho 3.600 gia đình thiếu đất ở vùng giải phóng cũ, nhất là đồng bào Khmer. Đồng bào Khmer được cấp đất và cùng bà con người Kinh giúp nhau sửa nhà cửa, chăm lo công việc làm ăn, đảm bảo đời sống thể hiện sự gắn bó tình làng nghĩa xóm, như đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Mảnh đất tạm cấp cho nông dân là lá bùa hộ mệnh cho cách mạng miền Nam”
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức khen thưởng các gia đình có thành tích trong kháng chiến; chăm sóc những gia đình thuộc diện chính sách, tạo tinh thần phấn khởi trong Nhân dân. Các huyện mở thêm lớp học phổ thông và bình dân học vụ. Trong tỉnh lúc bấy giờ có 78 trường, 8 trường dân tộc Khmer, mỗi xã đều có trạm y tế, nhà bảo sanh để chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Ở vùng ta tiếp quản, tất cả 12 công sở quân sự, hành chính và công trình công cộng do đối phương giao lại cho ta hầu như không có gì đáng kể. Cuộc sống của Nhân dân nhất là người lao động rất cực khổ, nhiều gia đình do hoàn cảnh chiến tranh sống lang thang không nhà cửa, phố chợ mất vệ sinh, cống rãnh tắt nghẽn, khu lao động không có điện, an ninh xã hội phức tạp...
200 ngày là thời gian khẩn trương xây dựng, đổi mới bộ mặt thị trấn và các vùng đối phương bàn giao cho ta. Nhân dân có được cuộc sống an toàn trong không khí hòa bình, trật tự an ninh xã hội được bảo đảm. Đồng bào ở vùng tạm chiếm Cà Mau, Tắc Vân thiếu thốn, đói nghèo đã được đưa đến khu lao động, các đội dân công, chiếu phim đến phục vụ đồng bào. Đặc biệt là về y tế, giáo dục có sự thay đổi rõ nét. Trên 75% dân được xóa mù chữ (khi mới tiếp quản số người mù chữ chiếm 2/3 dân số trong cả thị trấn); xây dựng thêm 20 trường mới; khám bệnh và điều trị cho hơn 13.206 người tại thị trấn Cà Mau; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh công cộng gắn với phát triển phong trào ăn sạch, ở sạch, phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe...; trong khu tập kết, ta đã huy động lực lượng để tu sữa và xây dựng hệ thống đường sá, cầu cống và các công trình công cộng; trật tự an ninh được lập lại, các tệ nạn xã hội gần như bị đấy lùi... thị trấn như vừa trải qua một cuộc lột xác.
Cuộc sống được tự do, việc đi lại và giao lưu hàng hóa giữa nông thôn và thành thị được dễ dàng. Tại thị trấn Cà Mau, khách các nơi đổ về nhộn nhịp, vừa để buôn bán, vừa xem vùng đất của Việt Minh quản lý, làm tăng lượng tàu, xe đi lại càng nhiều. Trước đó, xe đò chỉ cố 2 chuyến trong ngày, tăng lên 16 chuyến... Đời sống Nhân dân bước đầu được ổn định, nhất là tầng lớp dân nghèo ở thành thị. Uy tín của chính quyền cách mạng được khẳng định và ngày càng ảnh hưởng sâu rộng trong tiềm thức của các tầng lớp Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong thời gian ngắn mặc dù thành tựu đạt được chưa nhiều, nhưng có ý nghĩa chính trị to lớn qua bức tranh thực tế đời sống kinh tế, chính trị văn hóa xã hội ở vùng tập kết 200 ngày tại Cà Mau.
Trong thời gian tiếp quản Cà Mau, ta còn tổ chức đón nhận hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt trong kháng chiến được trao trả về. Anh chị em được đưa về ăn ở trong các nhà đồng bào và được chính quyền địa phương, các đoàn thể và các mẹ chiến sĩ, các chị em phụ nữ chăm lo chu đáo. Những người đau yếu được săn sóc đặc biệt nên nhiều người sức khỏe nhanh chóng hồi phục. Khi chia tay ai cũng cảm động giữa người ra đi và người ở lại.
Trong thời gian này, ta tổ chức đổi lấy “tiền Cụ Hồ” để tiền Ngân hàng Đông Dương lại cho đồng bào tiêu xài sau này. Nhưng nhiều bà con vẫn giữ lại “tiền Cụ Hồ để ngày thống nhất sẽ xài”, thể hiện tấm lòng của Nhân dân đối với cách mạng và luôn luôn “vẫn giữ là dân Cụ Hồ”.
Tháng 10-1954, tại căn cứ Chắc Băng, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Bạc Liêu (nay là Cà Mau), đồng chí Lê Duẩn, Trưởng phái đoàn Trung ương tổ chức Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn được cử làm Bí thư Xứ ủy. Hội nghị đề ra công tác công khai và nửa công khai; tổ chức và hoạt động của Đảng phải hết sức giữ bí mật, tổ chức và hoạt động của phong trào quần chúng thì cần lợi dụng hình thức công khai. Chuẩn bị tinh thần kháng chiến lâu dài nên vấn đề xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị cho chiến lược cách mạng ở miền Nam là hết sức cần thiết, vì thế khi chuyến tàu tập kết cuối cùng chuẩn bị rời khỏi cửa sông Ông Đốc, ta tổ chức đưa vũ khí ra tàu và bí mật đưa trở lại trên 6 tấn, 2.000 khẩu súng cất giấu trong rừng U Minh đề phòng tình huống địch phản bội Hiệp định, ta có sẵn vũ khí để đánh trả chúng. Đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo Liên Tỉnh ủy và trực tiếp hướng dẫn Đảng bộ tỉnh xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng binh vận rộng khắp, mạnh mẽ. Với tinh thần đó ta chủ trương giữ nguyên công binh xưởng của tỉnh và cất giấu vũ khí (sau khi tiễn quân đi tập kết).
Trước ngày bàn giao khu tập kết cho đối phương, ta tổ chức cuộc míttinh lớn tại thị trấn Cà Mau. Đồng chí Phạm Hùng, Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp Đình chiến thay mặt cho những người con của Nam Bộ thành đồng phát biểu lời tạm biệt và dặn dò, hứa hẹn cùng nhau đấu tranh cho ngày Nam Bắc sum họp một nhà. Hơn một vạn cán bộ chiến sĩ, đồng bào có mặt tại cuộc míttinh bùi ngùi xúc động, không cầm được nước mắt và mỗi người tâm niệm là quyết tâm phấn đấu cho ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Một số đơn vị đi tập kết tỏa về vùng nông thôn Bắc Cà Mau và Nam Cà Mau để tạm biệt đồng bào, đồng chí.
Ngày 31-01-1955, theo quy định của Ủy ban Liên hiệp ta bàn giao khu tập kết cho đối phương. Cuộc tiễn đưa lưu luyến diễn ra ở cửa sông Ông Đốc. Người đi, người ở đều nguyện một lòng hoàn thành nhiệm vụ được Đảng phân công, hẹn ngày Bắc Nam sum họp, thống nhất Tổ quốc. Trong những ngày chuyển quân cuối cùng, các má thay mặt Nhân dân Cà Mau gửi bộ đội nắm đất quê hương nơi xa nhất của miền Nam, mang ra miền Bắc dâng Hồ Chủ tịch và còn dặn dò:
Con ra thưa với Bác Hồ
Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao!
Khi tiễn đưa đoàn quân tập kết ra Bắc tại cửa biển Sông Đốc, má Lê Thị Sảnh đã gửi dâng tặng Bác Hồ cây vú sữa miền Nam. Cây vú sữa đã được chuyển đến tận tay Bác Hồ, được Bác đón nhận, mang trồng cạnh Nhà sàn và chăm sóc hàng ngày, xem như hình bóng đồng bào miền Nam luôn bên cạnh Bác và tình cảm nhớ thương của Bác dành cho đồng bào miền Nam.
Ngày 08-02-1955, chuyến tàu cuối cùng rời bến vàm Ông Đốc, cũng là thời điểm Đảng bộ và Nhân dân Cà Mau bước vào cuộc chiến đấu mới. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy và đồng chí Võ Văn Kiệt công khai xuống tàu đi tập kết, nhưng sau đó hai đồng chí bí mật quay trở lại vùng đất Mũi Cà Mau trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam. Nhân dân Tân Hưng Tây (Cái Nước) Khai Long, Rạch Gốc (Ngọc Hiển), Nguyễn Phích, Cái Tàu (nay thuộc huyện U Minh), Trí Phải (Thới Bình)... đã nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn cho các đồng chí hoạt động trong những năm tháng khó khăn của cách mạng miền Nam. Lúc chia tay, đồng chí Lê Duẩn nhờ đồng chí Lê Đức Thọ báo cáo với Bác Hồ và Trung ương Đảng: Tình hình cách mạng miền Nam rất phức tạp, việc chia cắt có thể kéo dài 15 đến 20 năm không thể giải quyết sớm được.
Chuyến tàu chuyển quân tập kết từ cửa Sông Đốc nhổ neo rời bến, hàng ngàn cánh tay vẫy chào tạm biệt đầy lưu luyến, kẻ ở người đi đều mang theo trong lòng ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vinh quang và tràn đầy hứa hẹn: Ngày mai Nam - Bắc sum họp, ngay sau đó Nhân dân Cà Mau lại bước vào cuộc chiến đấu mới, với niềm tin tưởng sắt đá vào thắng lợi cuối cùng.
Cà Mau là một trong các điểm tập kết, chuyển quân quan trọng của Nhân dân miền Nam. Còn các địa điểm của tỉnh Thanh Hóa như thị xã Sầm Sơn, huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa...lại vinh dự được chọn là một trong nhiều cơ sở đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam.
Mặc dù 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, ác liệt, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề, đời sống Nhân dân miền Bắc nói chung, của đồng bào Thanh Hóa nói riêng còn hết sức khó khăn nhưng Nhân dân Sầm Sơn, Nhân dân miền Bắc đã chuẩn bị chu đáo những điều kiện tốt nhất để đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, học sinh cùng nhiều gia đình cách mạng miền Nam tập kết như đón những người thân, người anh, người chị, người em của mình, với tình cảm ruột thịt “Nam Bắc một nhà”. Sự đón tiếp chu đáo, tận tình, tình cảm đằm thắm của đồng bào Sầm Sơn, đồng bào miền Bắc đã làm ấm lòng những người con miền Nam trên đất Bắc.
Từ những sự chào đón, quan tâm trên cho thấy rằng, Nhân dân Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam, Nhân dân Cà Mau tập kết ra Bắc rất sâu nặng nghĩa tình, hứa hẹn ngày Bắc - Nam sum họp một nhà.
III. Ý NGHĨA LỊCH SỬ
Trong thời gian ngắn ngủi của 200 ngày tập kết, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Chính quyền cách mạng ra sức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhân dân Cà Mau được sống trong những ngày hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Thành tựu xây đựng cuộc sống mới chưa nhiều nhưng ý nghĩa chính trị rất to lớn. Nhân dân trong tỉnh và Nhân dân các nơi về đây đã khẳng định con đường ấm no hạnh phúc mà Đảng và Bác Hồ hướng dẫn cho mình đi tới là đúng đắn, tạo cơ sở nền tảng vững chắc để tỉnh Cà Mau bước vào giai đoạn cách mạng mới, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
200 ngày thực hiện tập kết tại Cà Mau, diễn ra không lâu, nhưng các hoạt động của chính quyền cách mạng rất có hiệu quả, đã làm đổi mới các khu vực ta mới tiếp quản trên các mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt là nghĩa tình “quân với dân như cá với nước”. Từ đó, uy tín và ảnh hưởng của cách mạng ngày càng sâu rộng, có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn, vừa làm cơ sở thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa để đập tan những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của Mỹ, Ngụy về cách mạng miền Nam Việt Nam.
Trong thời gian 200 ngày tập kết tại Cà Mau, ta có điều kiện xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng về mọi mặt, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Đó cũng là nền tảng để Đảng ta chỉ đạo, hình thành nhiều căn cứ kháng chiến, xây dựng hệ thống căn cứ địa liên hoàn, tạo thế đứng vững chắc cho lực lượng kháng chiến đi đến thắng lợi về sau; việc lựa chọn đối tượng đi tập kết ra Bắc và phân công người ở lại để tiếp tục chỉ đạo cách mạng miền Nam cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ về cách mạng Việt Nam về quân sự, xây dựng lực lượng và đào tạo thế hệ kế thừa để phục vụ cách mạng lâu dài, để đi đến cuộc cách mạng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cán bộ, học sinh con em đồng bào miền Nam ra miền Bắc, được đồng bào miền Bắc tiếp đón, đối đãi rất tốt, tạo điều kiện thuận lợi đào tạo cán bộ cho miền Nam có trình độ chuyên môn cao, sớm quay về phục vụ cách mạng. Thể hiện được tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, sự tương trợ của đồng bào miền Bắc đối với đồng bào miền Nam ruột thịt, để thực hiện quyết tâm của Đảng, Bác Hồ hướng đến ngày “Bắc - Nam sum họp một nhà”.
Đảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau phải luôn phát huy tinh thần cách mạng của sự kiện 70 năm tập kết, chuyển quân ra Bắc, trên cơ sở quán triệt thật tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, phát huy tinh thần tự lực tự cường, sáng tạo, biết dựa vào dân, “lấy dân làm gốc” cội nguồn của cách mạng, chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, thường xuyên tuyên truyền vận động Nhân dân chung sức, chung lòng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thì cách mạng nhất định sẽ thắng lợi, tạo nguồn vững chắc cho cách mạng Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện các chính sách nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân, đặc biệt là Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Qua đó, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với chính quyền cách mạng.
Phát huy tinh thần tự giác cách mạng, chấp hành tuyệt đối sự phân công, đều động của tổ chức với tinh thần “Đi hay ở đều là nhiệm vụ”, từ đó coi việc phân công điều động là đợt bố trí lực lượng để thực hiện nhiệm vụ cách mạng lâu dài trong thời gian tới.
Thực hiện tuyệt đối bí mật quốc gia, bí mật quân sự, không để lọt, lộ thông tin, tài liệu mật ra bên ngoài, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia trong thời kỳ mới.
MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
1. Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau (1954 - 2024)
2. Chào mừng đại biểu về dự Lễ kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau (1954 - 2024)
3. Đảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, lập thành tích chào mừng 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau (1954 - 2024)
4. Phát huy tinh thần 200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau, Đảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau quyết tâm bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh
5. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
6. Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
7. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
Khẩu hiệu treo ở cơ quan, đơn vị:
Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau (1954 - 2024)
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau