Hiệu quả, thuận lợi, khó khăn và giải pháp nuôi tôm siêu thâm canh
Nhằm đánh giá hiệu quả, những thuận lợi, khó khăn và giải pháp nuôi tôm siêu thâm canh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân báo cáo tham luận như sau:
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở huyện Phú Tân còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa 4 nhà. Ảnh: Ngọc Thu.
I. Tình hình chung
Phú Tân là huyện ven biển, có bờ biển dài khoảng 37 km, có 6 cửa sông lớn, nhỏ thông ra biển như: Cái Đôi Vàm, Công Nghiệp, Cái Cám, Mỹ Bình, Sào Lưới, Gò Công. Đây là điều kiện và lợi thế để phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản. Với 39.072 ha đất nuôi trồng thủy sản, được bố trí theo cơ cấu sản xuất: Tôm - rừng, tôm công nghiệp, tôm quảng canh cải tiến và tôm quảng canh truyền thống. Thời gian qua, nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện không ngừng tăng lên về diện tích, sản lượng và tính đến thời điểm hiện nay diện tích là 387,32 ha, với 322 hộ.
II. Nhận thức hiệu quả và lợi ích của nuôi tôm siêu thâm canh
Tình hình nuôi tôm nuôi siêu thâm canh trên địa bàn huyện được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng cấp tỉnh cùng với sự lãnh, chỉ đạo sâu sát và kịp thời của Huyện ủy, UBND huyện, các ngành chuyên môn của huyện và các xã, thị trấn quan tâm, nên đã tạo một bước chuyển biến rõ nét, người nuôi có lãi, đời sống của người dân từng bước được nâng lên đáng kể. Nhận thức hiệu quả nuôi tôm siêu thâm canh của người dân được nâng lên. Nhiều hộ nuôi tôm thâm canh truyền thống đã thấy được lợi ích của nuôi tôm siêu thâm canh nên đã chuyển sang nuôi theo hình thức này. Những lợi ích của hình thức nuôi này là có thể kiểm soát được môi trường, khống chế được thời tiết, một năm có thể nuôi nhiều vụ, diện tích ao nuôi nhỏ dễ chăm sóc và quản lý…
Tuy nhiên, thời gian qua việc nuôi siêu thâm canh gặp những thuận lợi và khó khăn như sau:
III. Đánh giá
1. Thuân lợi
- Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát kịp thời của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Huyện ủy, UBND huyện cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng những chính sách hỗ trợ kịp thời trong nuôi tôm siêu thâm canh đã làm giảm bớt những khó khăn của người dân trong quá trình sản xuất.
- Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn cho người dân ngay từ đầu vụ nuôi nên kỹ thuật và việc áp dụng khoa học vào quá trình sản xuất ngày càng nâng cao.
- Trong quá trình nuôi tôm siêu thâm canh, đa số người nuôi đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất như: Xây dựng ao, lựa chọn con giống, quản lý và chăm sóc tôm nuôi...đồng thời, người dân luôn luôn có sự hỗ trợ, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất.
- Hệ thống thủy lợi, điện đã được quan tâm đầu tư hơn trước nên cơ bản đã đáp ứng được phần nào nuôi siêu thâm canh.
2. Khó khăn
- Công tác tổ chức sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa 4 nhà; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu; nông dân thiếu vốn sản xuất.
- Công tác quản lý Nhà nước còn thiếu chặt chẽ nên một số người dân nuôi tôm chủ yếu theo hướng tự phát, không theo quy hoạch; tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm chưa qua xử lý, thải ra bên ngoài còn nhiều nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn kịp thời; cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất còn hạn chế; chất lượng con giống chưa đảm bảo yêu cầu…
- Hệ thống thủy lợi tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng do nguồn vốn có hạn nên chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của Nhân dân, một số nơi vẫn còn khó khăn trong việc cấp, thoát nước phục vụ sản xuất.
- Giá tôm nguyên liệu trong những tháng vừa qua xuống thấp, đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế của người nuôi.
Để nghề nuôi tôm siêu thâm canh hiệu quả trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân đưa ra một số giải pháp thực hiện.
IV. Giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Trước những kết quả đạt được, cũng như những thuận lợi, khó khăn trong thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân xin nêu một số giải pháp trọng tâm như sau:
- Triển khai và khuyến khích người nuôi tuân thủ lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản hàng năm, nâng cao nhận thức về lịch thời vụ sản xuất; quan tâm đúng mức đến việc xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh xảy ra từ nguồn tôm giống bị nhiễm bệnh.
- Tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân xây dựng hệ thống xử lý nước thải ,chất thải trước khi thải ra môi trường bên ngoài; tăng cường công tác quản lý từng vùng nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh phục vụ tốt sản xuất.
- Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền người dân có đủ điều kiện mới được nuôi tôm siêu thâm canh.
- Chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, thẩm định các hộ nuôi tôm siêu thâm canh.
- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với doanh nghiệp, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm siêu thâm canh để giảm chi phí, hạn chế dịch bệnh; cung cấp thông tin về sản xuất cho nông dân, thông báo lịch thời vụ của ngành chuyên môn.
- Xây dựng chặt chẽ mối liên kết 4 nhà trong các mô hình sản xuất, trong đó Nhà nước đóng vai trò quản lý, chủ động gắn kết các nhà trong mô hình sản xuất, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển mạnh, tăng cường và tạo điều kiện cho hoạt động các mối liên kết.
Trên đây là tham luận đánh giá hiệu quả, những thuận lợi, khó khăn và giải pháp nuôi tôm siêu thâm canh của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân.