Tình hình sử dụng nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Kính thưa: - Đoàn Chủ tịch!
- Các vị đại biểu khách quí!
- Thưa toàn thể Đại biểu Đại hội.
Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Hội Nông dân huyện xây dựng bảo hộ được 8 nhãn hiệu tập thể (NHTT) cho các sản phẩm đặc sản, đặc thù của tỉnh; trong đó, có 6 NHTT giao cho Hội Nông dân làm chủ sở hữu, 2 NHTT do Hội Thủy sản làm chủ sở hữu.
Mắm lóc Thới Bình. Ảnh: NT.
Các chủ sở hữu là Hội Nông dân đã hình thành Ban Quản lý (BQL) nhãn hiệu tập thể triển khai việc sử dụng thời gian qua với kết quả là:
I. KẾT QUẢ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ
1. Tình hình quản lý, sử dụng NHTT
1.1. NHTT “Cá Khoai Cái Đôi Vàm”
- Năm 2012, toàn thị trấn Cái Đôi Vàm có 64 cơ sở, năm 2013 có 76 cơ sở, năm 2014 có 87 cơ sở, năm 2015 đến nay có 111 cơ sở. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tập trung gần cửa biển thị trấn Cái Đôi Vàm.
Giá cả phụ thuộc mùa vụ, cao nhất là trước và sau Tết Nguyên đán. Phần lớn các cơ sở chưa có bao bì, chủ yếu đóng bao lớn, bán sản phẩm dạng thô cho thương lái.
Năm nay, tuy lượng cá nguyên liệu nhiều nhưng gặp mưa trái mùa nên sản phẩm màu sắc xấu, chất lượng kém, giá bán giảm. Đa số các cơ sở chế biến bị lỗ (trừ cơ sở Hoàng Phúc - Tư Minh không bị lỗ do có đầu tư xây dựng kho lạnh và giàn sấy).
Về đa dạng sản phẩm cá khoai: Chỉ có cơ sở Hoàng Phúc - Tư Minh chế biến thử sản phẩm cá khoai xẻ ướp gia vị phơi khô hoặc thí điểm cá khoai khô cắt đầu, đuôi và vây bụng, gắn nhãn, đóng gói, hút chân không nhưng lượng tiêu thụ không đáng kể. Cá khô tiêu thụ nhiều nhất, sản lượng cá tươi tiêu thụ ít.
Ban Quản lý NHTT là Hội Thủy sản đã tiến hành cấp sổ ghi chép theo dõi nhập xuất cho các thành viên sử dụng nhãn hiệu. Đã ra quyết định cho phép 03 hộ được sử đụng NHTT, đang hướng dẫn 5 hộ làm hồ sơ đăng ký sử dụng nhãn hiệu.
1.2. NHTT “Cá khô bổi U Minh”
Từ năm 2011 đến nay tuy chỉ có 3 cơ sở: Ba Đức, Tư Hùng và Tám Oanh đăng ký nhưng thực hiện rất tốt quy chế sử dụng NHTT, không sử dụng cá bổi ở các tỉnh khác để chế biến khô gắn NHTT “Cá khô bổi U Minh”, đảm bảo chất lượng sản phẩm, định kỳ gửi mẫu phân tích vi sinh, kim loại nặng, các chất cấm trong sử dụng chế biến khô. Trong 3 cơ sở thì chỉ có 2 cơ sở đã được cấp kiểu dáng công nghiệp, nhãn sản phẩm, mã số, mã vạch, bao bì đóng gói và hút chân không, các cơ sở sử dụng nhãn hiệu đều có tủ mát bảo quản sản phẩm, riêng cơ sở Ba Đức đầu tư kho lạnh có sức chứa 5 tấn sản phẩm.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm mang nhãn hiệu chưa ổn định, chủ yếu bán lẻ tại cơ sở sản xuất và buôn bán thông qua mối lái, chưa xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất đến tiêu thụ. Các cơ sở khác chủ yếu bán vựa, không đóng gói, dán nhãn.
Ban quản lý (BQL) chưa phát hành tem dán sản phẩm mang NHTT cũng như các cơ sở sản xuất chưa có yêu cầu.
Sau khi được cấp NHTT, giá trị sản phẩm tăng lên so với cá khô bổi cùng loại không có sử dụng nhãn hiệu từ 40.000đ đến 50.000đ/kg. Tuy nhiên, người mua ít do giá thành cao.
1.3. NHTT “Bồn bồn Cái Nước”
Hội Nông dân huyện Cái Nước được UBND tỉnh trao quyền quản lý NHTT. Ngày 10/10/2017, UBND huyện ra Quyết định số 4602/QĐ-UBND, thành lập Tổ thẩm định điều kiện sử dụng NHTT gồm 08 đồng chí do Trưởng Phòng Y tế huyện làm tổ trưởng. Tổ thẩm định tổ chức 02 buổi thẩm định cơ sở đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu sau khi tiếp nhận đơn đề nghị của cơ sở, hộ gia đình kinh doanh sản phẩm bồn bồn. Qua đó, BQL nhãn hiệu đã cấp giấy chứng nhận sử dụng NHTT cho 03 cơ sở đủ điều kiện: 01 HTX (gồm có 25 thành viên) và 02 cơ sở kinh doanh hộ gia đình.
Việc quản lý NHTT chưa chặt chẽ, BQL không quản lý việc xuất tem, dán nhãn và chỉ nắm số liệu tiêu thụ chủ yếu do các cơ sở được cấp nhãn hiệu tự khai báo, vì BQL đã giao hết cho các cơ sở này. Nhìn chung, chưa có sự chênh lệch giá bán giữa sản phẩm mang NHTT và sản phẩm không mang NHTT. Sản phẩm bồn bồn tươi chưa tìm được nơi tiêu thụ, chủ yểu bán lẻ và không sử dụng NHTT.
Tính đến nay, đã sử dụng hơn 55.000 nhãn hiệu, sản lượng dưa bồn bồn tiêu thụ từ khi sử dụng NHTT đến nay tăng rõ rệt so với lúc chưa sử dụng. Trung bình 03 cơ sở tiêu thụ từ 75 đến 100 kg/ngày. Đa số, sản phẩm của một số cơ sở không vào được siêu thị vì phụ thuộc vào mùa vụ và không ổn định nguồn hàng.
NHTT bồn bồn Cái Nước cũng được tham dự các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh tổ chức: Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa tại thành phố Hồ Chí Minh do Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; tham gia hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa tại Sở Công thương Cà Mau; được Đài Tiếng Nói Việt Nam ghi phóng sự quảng bá thương hiệu sản phẩm an toàn mang NHTT, đặc sản của Cà Mau do Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm - thủy sản giới thiệu.
Ngoài ra, hợp tác xã bồn bồn Đông Hưng đã tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm tại siêu thị ẩm thực Foats Quận 7- thành phố Hồ Chí Minh, siêu thị Tứ Sơn - An Giang và đã tham gia kết nối giao thương các vùng miền có 63 tỉnh thành tham gia do Liên Minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức từ ngày 18-20/5/2018 tại Hà Nội, sắp tới sẽ phát triển ra thị trường Vũng Tàu.
1.4. NHTT “Tôm khô Rạch Gốc”
Toàn huyện có hơn 15 cơ sở sản xuất tôm khô, phân lớn tiêu thụ tại thành phố HCM. Hiện có một tập thể và 4 cá nhân đang sử dụng NHTT. BQL tiếp nhận 10 đơn, trong đó chấp nhận 7 đơn và trả lại 3 đơn do chưa có giấy phép kinh doanh và đáp ứng đủ điều kiện an toàn thực phẩm. BQL thực hiện quy trình quản lý chất lượng bằng phương pháp tự quản, tự chịu trách nhiệm, tự bảo vệ uy tín cho doanh nghiệp theo quy chế đề ra, kiểm tra quy trình sản xuất 2 lần/năm.
Trước tình hình quản lý và khai thác NHTT gặp khó khăn, BQL đã xây dựng đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất và khai thác có hiệu quả NHTT tôm khô Rạch Gốc” Kết quả: hợp tác xã Tân Phát Lợi đã ký hợp đồng bán tôm khô cho các siêu thị. Doanh nghiệp tư nhân Hồng Chí Tâm nhận giao hàng dài hạn cho công ty TNHH An Vĩnh thành phố HCM,...
Sản phẩm NHTT “Tôm khô Rạch Gốc” cũng được tham dự các hội chợ khuyến mại tại tỉnh Cà Mau hàng năm. Nhìn chung, các sản phẩm tôm khô tại các cơ sở chưa có bao bì, đóng gói, gắn nhãn, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển.
1.5. NHTT “Cua Năm Căn - Cà Mau”
Hiện tại, có 3 cơ sở tham gia sử dụng NHTT, UBND huyện ủng hộ 5.000 con tem. Các cơ sở tham gia NHTT chỉ sử dụng con tem để trưng bày, quảng bá sản phẩm.
Năm 2017, khi hợp tác xã Cua Năm Căn - Cà Mau thành lập, nay lấy tên là hợp tác xã G.VH.B cua biển Năm Căn - Cà Mau, từ đó xảy ra tranh chấp với NHTT Cua Năm Căn - Cà Mau do Hội Thủy sản quản lý, gây khó khăn trong việc phát triển NHTT. Các cơ sở kinh doanh không tham gia sử dụng NHTT vì giá cua mang NHTT và cua không mang nhãn hiệu không chênh lệch nhiều.
1.6. NHTT “Mật ong U Minh Hạ”
BQL đã ban hành quy chế sử dụng NHTT, quy trình cấp và thu hồi giấy chứng nhận. Qua tuyên truyền, vận động, đến nay có 17 cơ sở đăng ký thành viên NHTT “Mật ong U Minh hạ”, 04 hộ không hoạt động (trong đó, có 04 hộ đã đăng ký mã số mã vạch, nhãn hiệu độc quyền). Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ hàng năm giảm so với trước, trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 231ít/hộ.
Từ khi đăng ký NHTT giá mật ong đã tăng lên so với trước đây, trung bình mỗi năm tăng khoảng 50.000 đồng/lít. Thực tế, nguồn gốc mật ong chưa được quản lý chặt chẽ. Các hộ kinh doanh thu gom mật ong từ nhiều nguồn khác nhau nên khó đảm bảo chất lương.
1.7. NHTT “Cá chình, cá bống tượng Tân Thành”
Qua thời gian 03 năm đăng ký nhãn hiệu, BQL có 8 thành viên và 25 thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu. Hiện nay, số lượng thành viên đăng ký NHTT tăng lên 60 người.
Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Thành và phường Tân Thành có diện tích nuôi cá chình, cá bống tượng trên 593ha với 1.240 hộ nuôi, sản lượng hàng năm đạt 889 tấn/ năm. Người dân chủ yếu nuôi theo kiểu truyền thống, thức ăn chủ yếu là cá phi, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, chủ yếu sử dụng các loại kháng sinh phòng ngừa bệnh cho cá.
Đầu ra không ổn định nên việc phát triển nhãn hiệu gặp khó khăn, phụ thuộc vào thị trường, chủ yếu bán cho các thưong lái, nhà hàng.
1.8. NHTT mắm lóc Thới Bình”
Sản phẩm “Mắm cá lóc Thới Bình” được Cục sở hữu trí tuệ công nhận tại Quyết định số 54044/QĐ-SHTT, ngày 03/9/2015 do Hội Nông dân quản lý. Ban đầu, có 8 hộ đăng ký tham gia nhưng hiện tại còn 6 hộ. Sản lượng sản phẩm sản xuất, tiêu thụ hàng năm khoảng 10 tấn, chủ yếu tiêu thụ nội địa.
Bố trí riêng một cửa hàng trưng bày sản phẩm ‘Mắm cá lóc Thới Bình” tại chợ Thới Bỉnh, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương.
Xác định nguồn nguyên liệu cá lóc đồng dần thu hẹp nên trong năm 2016, UBND huyện đã chỉ đạo thí điểm mô hình nuôi các lóc đầu nhím từ ứng dụng chế phẩm sinh học Emozeo. Đến nay, mô hình đang được triển khai nhân rộng ở nhiều địa phương trong huyện.
2. Thuận lợi, khó khăn
2.1. Thuận lợi
Các sản phẩm đăng ký NHTT là những sản phẩm đặc trưng của địa phương đã có tiếng trêi thị trường lâu nay, được nhiều người biết đến. Từ khi các NHTT được công nhận và đưa vào sử dụng, đã góp phần rất lớn trong việc gia tăng giá trị kinh tế và sức cạnh tranh đối với sản phẩm cùng loại khác trên thị trường, là một nền tảng pháp lý vững chắc để bảo vệ thương hiệu.
Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát triển nhãn hiệu, các hộ nông dân sản xuất, chế biến có hiệu quả, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, các cơ sở sản xuất kinh doanh mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đăng ký sử dụng NHTT.
Địa phương có nguồn lực lao động dồi dào, cần cù, siêng năng, chịu khó. Sự đồng thuận của bà con nông dân và các hộ tham gia dự án.
2.2. Khó khăn
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 87, Luật Sở hữu trí tuệ thì: Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký NHTT để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng NHTT. Vì vậy, NHTT thường giao cho Hội Nông dân hoặc Hội Thủy sản chủ trì quản lý nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều hành, đậc biệt là không có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi vi phạm. Nhìn chung, BQL hoạt động không hiệu quả, chưa có kinh phí hoạt động và phương tiện kiểm nghiệm tại chỗ.
Nhận thức người dân về NHTT chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết các cơ sở sử dụng NHTT chưa tổ chức dán tem để truy xuất nguồn gốc nên rất khó trong quản lý, khả năng hàng nhái là rất cao.
Sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, mùa vụ, sản lượng và thị trường tiêu thụ. Người sản xuất thiếu vốn kinh doanh trong việc đầu tư máy móc, thiết bị, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu.
Hình thức tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại, chưa kết nối được các doanh nghiệp, đặc biệt là chưa có sản phẩm sử dụng NHTT nào của tỉnh được phân phối tại các siêu thị,... nên giá cả đầu ra chưa ổn định. Gặp khó trong việc xây dựng kinh tế hợp tác, hợp tác xã, quy trình sản xuất không đồng nhất.
Ngoài những khó khăn chung nêu trên thì còn có những khó khăn cụ thể sau:
NHTT “Cá khoai Cái Đôi Vàm”: Cửa biển Cái Đôi Vàm cạn, tàu không vào được, ảnh hưởng đến chất lương, giá cả vận chuyển. Chưa có quy trình bảo quản cá khoai tươi nguyên liệu, quy trình chế biến, đóng gói, vận chuyển cá khô.
NHTT “Cá khô bổi U Minh”: Hiện nay giá cá bổi đang giảm mạnh, người nuôi gặp nhiều khó khăn bởi cá bổi từ các tỉnh khác chuyển về ồ ạt, giá rẻ, đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến uy tín NHTT. Diện tích nuôi cá bổi năm 2018 tại huyện ước giảm còn khoảng 50% so với năm 2017 (217ha), chưa quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, chưa kết nối được giữa cơ sở sản xuất với người nuôi.
NHTT “Tôm khô Rạch Gốc”: Chất lượng nguyên liệu tôm biển chưa đảm bảo do quá trình bảo quản trong đánh bắt. Sản phẩm đầu vào không ổn định, còn phụ thuộc theo con nước, theo mùa.
NHTT “Cua Năm Căn - Cà Mau”: Hợp tác xã G.V.H.B Cua biển Năm Căn - Cà Mau đang tranh chấp với NHTT Cua Năm Căn - Cà Mau nên rất khó trong công tác hoạt động của BQL. Hiện nay, sản phẩm cua trên thị trường rất nhiều loại, nhiều nơi nuôi được, khi bán thì phải theo nhu cầu của khách hàng trói dây nhỏ hoặc to.
NHTT “Cá chình, cá bống tượng Tân Thành”: Chưa có quy định chung về chất lượng cá thương phẩm và dụng cụ kiểm tra nhanh về chất lượng sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm cá chình, cá bống tượng chưa được thiết kế mã vạch, quy cách bố trí tem nhãn hiệu do đây là sản phẩm tươi sống chưa qua chế biến.
II. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ
Thị trường tiêu thụ không ổn định, hình thức kinh doanh chủ yếu bán lẻ, bán qua quen biết giới thiệu. Hầu hết các doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc đóng gói dán nhãn bao bì, truy xuất nguồn gốc. Đa số các sản phẩm không vào được siêu thị vì phụ thuộc vào mùa vụ, nguồn nguyên liệu không đảm bảo.
Nhận thức người dân về việc sử dụng NHTT chưa được quan tâm. Nhìn chung, giá bán sản phẩm có sử dụng NHTT và không sử dụng NHTT không chênh lệch nhiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các hộ kinh doanh không tham gia đăng ký sử dụng NHTT. Công tác vận động của BQL còn hạn chế, có rất ít cơ sở tham gia sử dụng NHTT; việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm chưa mạnh,... do vậy sản phẩm gặp khó khăn trên thị trường và tiếp cận hệ thống siêu thị; cần công khai danh sách cơ sở được phép sử dụng NHTT cho người tiêu dùng biết.
BQL còn gặp khó khăn trong quá trình quản lý, thiếu kinh phí hoạt động. Việc quản lý NHTT là hoạt động mới, đa số các thành viên trong BQL là kiêm nhiệm, chưa có kinh nghiệm trong quản lý. Một số BQL bao gồm nhiều thành phần, thành viên, không có đại diện của cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng NHTT, do đó hoạt động không hiệu quả.
Các sản phẩm mang NHTT được quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, BQL triển khai tích cực các hoạt động quản lý, khai thác hiệu quả việc sử dụng NHTT, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đảm bảo an toàn thực phẩm,... đã mang lại hiệu quả cao, giá bán cao hơn gần 1,5 lần (Cá khô bổi U Minh - cơ sở Ba Đức), sản lượng bán ra tăng gần 05 lần (Tôm khô Rạch Gốc - cơ sở Chí Tâm).
Quy chế quản lý, sử dụng NHTT mang tính chất hội nghề nghiệp, trong xây dựng phải được sự đồng thuận của người tham gia; đồng thời, tuân thủ theo quy định pháp luật, pháp luật không cấm; có một số hội xây dựng quy chế còn nặng về quản lý nhà nước, từ đó tạo rào cản, làm cho cơ sở sản xuất kinh doanh ngại tham gia.
Các cơ sở sử dụng NHTT chưa liên kết với nhau, chưa có sự thống nhất trong sản xuất kinh doanh, việc sản xuất không theo quy trình cơ bản, chưa điều tiết phân chia sản xuất, giá bán chênh lệch quá cao (gần 1,5 lần: Cá khô bổi U Minh). Điều này cho thấy chất lượng của sản phẩm khác nhau, không đảm bảo chất lượng, làm ảnh hưởng uy tín của NHTT.
III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG
UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các ngành và địa phương quan tâm công tác quản lý, hỗ trợ và phát triển các NHTT đã được chứng nhận theo đúng chức năng và địa bàn quản lý.
Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nội địa và xuất khẩu, để tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu và thực hiện các hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ hoạt động website và tiến tới nâng cấp thành website thương mại điện tử; hỗ trợ kinh phí để các cơ sở sử dụng nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thiết kế bao bì, nhãn hiệu, bảo quản sản phẩm cho các sản phẩm đặc sản địa phương đã được chứng nhận NHTT.
Tìm kiếm, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về quyền lợi, ý nghĩa của việc xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế cho các cơ sở công nghiệp ở nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm và xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tổ chức giao thương, kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, xúc tiến thương mại, tiêu thụ hàng hóa nhằm phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm đặc sản, đặc thù của địa phương.
Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các BQL trong việc quản lý, khai thác NHTT; hỗ trợ các BQL học tập kinh nghiệm từ các tỉnh có NHTT được quản lý, sử dụng thành công; tiếp tục hỗ trợ các BQL xây dựng các quy định về quản lý, sử dựng NHTT; phối hợp sở, ngành liên quan hỗ trợ lập thủ tục để được công bố chất lượng sản phẩm, thiết kế tem sản phẩm, đóng gói, bao bì hàng hóa phù hợp từng sản phẩm cụ thể. Xem xét hỗ trợ kinh phí cho các BQL triển khai các hoạt động như: Tuyên truyền vận động, giám sát chất lượng sản phẩm, sơ tổng kết, đặc biệt duy trì hoạt động của website để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, công khai danh sách cơ sở được phép sử dụng NHTT cho người tiêu dùng biết, kinh phí hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng/năm cho mỗi Ban Quản lý NHTT từ nguồn vốn khoa học công nghệ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dụng và triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng sản xuất các sản phẩm đặc sản, đặc thù của tỉnh; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc sở tập huấn kỹ thuật nuôi cá bổi thương phẩm, xây dựng, nhân rộng mô hình nuôi hiệu quả (tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành), nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất khô cá bổi tại địa phương. Phối hợp với sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động sản xuất kinh doanh có sử dụng và không sử dụng NHTT trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các quy định về chất lượng sản phẩm hàng hóa, điều kiện an toàn thực phẩm,...; xử lý nghiêm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm; phối hợp Sở Công thương tiếp tục tăng cường đào tạo, tập huấn cho nông dân các quy trình kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, quy định trong quản lý, sử dụng NHTT.
Các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, thanh tra việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đã được bảo hộ NHTT; xử lý nghiêm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm. Thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có đủ tiềm lực đầu tư nhằm tập hợp được số lượng lớn hàng hóa, chất lượng đồng nhất, đáp ứng nhu cầu khách hàng, chủ động tìm thị trường tiêu thụ ổn định, điều tiết sản xuất, đồng nhất giá bán, kiểm soát được chất lượng sản phẩm,... tạo uy tín cho NHTT.
Các hội được giao quản lý NHTT cần kiện toàn, tinh gọn BQL, nên có từ 5 - 7 thành viên và phải có đại diện của cơ sở sử dụng NHTT. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người sản xuất kinh doanh thấy quyền và lợi ích mang lại từ NHTT nhằm phát triển nhiều thành viên tham gia.
Khi xậy dụng quy chế quản lý, sử dụng NHTT cũng như cấp giấy chứng nhận, BQL cần tuân thủ các quy định về chất lượng hàng hóa và điều kiện an toàn thực phẩm. Quy chế phải có sự đồng thuận của đại diện người tham gia sử dụng NHTT, không vì phạm pháp luật, không nên đặt nặng quản lý nhà nước, mà sử dụng công cụ nhà nước hỗ trợ cho hoạt động quản lý.
Hiện nay, việc quản lý, sử dụng khai thác NHTT chưa phát huy được hiệu quả, vì vậy, trước tiên cần triển khai các biện pháp quản lý, khai thác NHTT hiện có thật sự hiệu quả, mới tiếp tục xây dựng các sản phẩm mang NHTT đặc sản khác.
- Riêng NHTT “Mắm lóc Thới Bình”, huyện đề xuất có phương án chuyển đổi từ NHTT lên thành NHCN và giao quyền quản lý lại cho một cơ quan khai thác, vận hành tốt hơn.
Xin trân trong cảm ơn!
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau