Thực trạng và giải pháp tổ chức xây dựng Hội phục vụ phong trào nuôi tôm siêu thâm canh
Thời gian qua, Hội Thủy sản tỉnh Cà Mau luôn được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy vá chính quyền các cấp cộng với sự cộng tác và hỗ trợ đắc lực của các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ, mà đặc biệt là bà con nông dân, ngư dân tận tâm sản xuất, phát huy sáng tạo, đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nuôi trồng thủy sản, đỉnh cao của nó là năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại huyện Đầm Dơi. Ảnh: NT.
Qua quá trình hoạt động Hội Thủy sản tỉnh Cà Mau ý thức được rằng sản xuất trên nhiều lĩnh vực muốn có hiệu quả, năng suất ngày càng cao, bền vững phù hợp với sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa điều tiên quyết là phải tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung liên kết, chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, mà vai trò tổ chức tập hợp đó là Hội Thủy sản đóng vai trò vị trí quan trọng nhất trong các tổ chức trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm siêu thâm canh.
Khi mới hình thành, cán bộ hội và hội viên đếm trên đầu ngón tay, phong trào chưa cao, cán bộ chuyên môn thiếu, yếu, cơ sở vật chất còn khó khăn và hành lang pháp lý chưa rõ ràng, tổ chức hội chưa đồng nhất…Nhưng đến nay (2018) tổ chức cơ sở hội và hội viên đều khắp trong tỉnh. Từ tỉnh đến xã, phường, ấp khóm…đều có tổ chức và chất lượng hoạt động khá…
Đến nay, tỉnh có 9/9 huyện, thành phố có tổ chức Ban Chấp hành gần hết nhiệm kỳ 5 năm và 1 huyện, 1 thành phố đã đại hội xong nhiệm kỳ II (2017 - 2021) như: Thành phố Cà Mau và huyện Đầm Dơi. Hơn 90 xã phường, thị trấn và gần 411 ấp, khóm có Ban Chấp hành hay tổ hội thủy sản cơ sở. Đặc biệt có 12 hợp tác xã (HTX), 176 tổ hợp tác (THT), 9 tổ hùn vốn hỗ trợ sản xuất.
Tổ Hội Thủy sản nó gắn với tổ, đội sản xuất, tổ kỹ thuật và trực tiếp người sản xuất. Gần 10.000 hội viên trong tỉnh nằm rải rác trong các hình thức nuôi như quảng canh truyền thống, quảng canh ít thay nước, tôm rừng, tôm lúa, tôm kết hợp đa dạng con như: Cua, cá, sò… Đặc biệt, ngày gần đây nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh năng suất chất lượng hiệu quả cao và bền vững. Hiện nay, diện tích tổng hợp nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh khoảng 1.700 ha. Năng suất bình quân có từ 7 đến hơn 10 tấn/vụ và năm cao nhất cũng 4 vụ thì sản lượng cũng hơn 40 - 50 tấn/ha/năm. Hầu hết là lực lượng hội viên có điều kiện, năng lực trong và ngoài vùng qui hoạch đều có nuôi, tỷ lệ trên 85% người nuôi có hiệu quả. Sản lượng cao, môi trường được bảo vệ, giảm bớt những tiêu cực trong quá trình nuôi tôm nói chung, siêu thâm canh nói riêng.
Biết rằng, nuôi tôm siêu thâm canh là hiệu quả, nhưng không ít khó khăn, vướng mắc, quá trình tổ chức lại sản xuất. Quá trình đi sâu vào sản xuất, tổ chức hội viên tham gia ta cần đánh giá cho đúng những mặt hiệu quả, những mặt hạn chế thậm chí dẫn đến thất bại mà ta lường trước để chuẩn bị tâm lý có thể xảy ra.
Hiệu quả, điều kiện yếu tố khách quan, chủ quan thuận lợi cơ bản người quản lý và người nuôi cũng có đánh giá qua nhiều báo cáo chuyên đề, nhiều chủ trương, mô hình có hiệu quả, nhiều người nuôi tôm siêu thâm canh từ đời sống khó khăn, đã vượt lên làm giàu, nay trở thành tỷ phú và hơn nữa.
Một số yếu tố cần và phải có trong nuôi siêu thâm canh đó là:
- Nuôi tôm siêu thâm canh phải có vùng qui hoạch ổn định.
- Nuôi tôm phải có cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông thông thoáng, thủy lợi, điện đáp ứng tối thiểu cho vùng nuôi.
- Phải có kỹ thuật cao, phải có kinh nghiệm nhiều năm trong các hình thức nuôi tôm, nhất là nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh.
- Phải có tư liệu sản xuất như đất đai, vốn, từ nhiều nguồn đảm bảo khi cần thiết từ khâu đầu đến khâu cuối.
Đặc điểm nền sản xuất của tỉnh ta là: Đất đai cho từng hộ nhỏ, sản xuất manh mún, cơ sở hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, mặt bằng dân trí thấp, trình độ tiếp thu khoa học kỹ thuật ở hàng thấp trong khu vực, dân còn nghèo, đa số hộ chưa đáp ứng hoặc không đáp ứng cho yêu cầu nuôi tôm siêu tham canh.
Trong cuộc hội thảo bàn về thực trạng giải pháp nuôi tôm siêu thâm canh, bền vững, Hội Thủy sản xin nêu vài ý kiến như sau:
1. Về chọn vùng nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh theo cơ chế mở, vùng trọng điểm, vùng đệm, vùng kế tiếp cho giai đoạn sau. Phải được công bố, công khai cho dân biết những tiêu chí cơ bản để cho dân phấn đấu.
Những nơi đã được chọn thì phải có chính sách đặc thù ưu tiên, phải đi trước một bước cho dân, không bị động trong chọn vùng nuôi siêu thâm canh. Tránh tình trạng vùng Nhà nước qui hoạch nuôi thì dân không nuôi, mà phần lớn nuôi ngoài qui hoạch dân không biết qui hoạch tới đâu.
2. Đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như: Điện, giao thông, thủy lợi và cơ sở vật chất khác cho người nuôi siêu thâm canh mà chính bản thân họ chưa có thể đảm bảo được. Nên xem xét chuyển đổi một số dự án, công trình đã thi công hoặc chuẩn bị thi công mà dư luận xã hội thấy chưa hiệu quả hoặc kém khả thi thì mạnh dạn cắt, giảm chuyển nơi đầu tư có hiệu quả ngay…
3. Về vốn đầu tư cho nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh là rất lớn, phải có từ vài trăm triệu trở lên mới xây dựng được các ao đầm lĩnh vực xây dựng cơ bản, chưa nói đến vốn lưu động. Cho nên cần đến sự hỗ trợ của ngân hàng, các công ty, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp có chọn lọc và cũng mạnh dạn cho việc nuôi tôm siêu thâm canh như Nghị định 67 của Chính phủ chấp nhận một số rủi ro khi cần thiết.
Mặt khác, tổ chức lại sản xuất, hùn vốn bằng nhiều hình thức người có đất hùn đất, người có tiền hùn tiền, người có kỹ thuật hợp tác cùng nhau sản xuất. Những hộ liền kề nhau đất nhỏ không đủ tiêu chí theo qui định nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh thì hùn đất gom lại để nuôi. Muốn làm được việc tổ chức lại sản xuất thì vai trò của tổ chức hội, hội viên là hết sức quan trọng.
4. Về kỹ thuật là tối cần thiết không thể thiếu được trong quá trình nuôi.
Tình hình thời tiết khí hậu cực đoan luôn diễn biến phức tạp khó lường trước được, mặt khác trình độ kỹ thuật của người nuôi vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp sự diễn biến của nuôi tôm siêu thâm canh. Mặt khác, lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh là hình thức nuôi có tính khoa học cao trong lĩnh vực khoa học. Từ đó, xác định kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh là tối cần thiết.
Tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường bền vững, quản lý cộng đồng liên kết chuỗi sản phẩm, đây là một khâu rất quan trọng đòi hỏi chúng ta có sự liên kết trách nhiệm, các đoàn thể, các hội thành viên ra sức giáo dục về nhận thức các chủ trương, pháp luật của nhà nước và tuân thủ các yếu tố kỹ thuật để làm đúng và có hiệu quả.
Nhà nước nên đề ra các quốc sách quản lý và kiểm tra 2 phía, về người nuôi thực hiện các qui định nêu trên của Nhà nước và ngược lại cũng đồng thời xem lại và đối chiếu chủ trương của mình có đi vào cuộc sống của người sản xuất không, cũng trên cơ sở đó đối chiếu lại có bổ sung uốn nắn kịp thời.
Tăng cường đẩy mạnh quản lý, kiểm tra hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước. Đồng thời, giáo dục cho Nhân dân và hội viên nhận thức đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên cũng như quyền lợi hợp pháp của công dân.
Tổ chức, xây dựng cơ sở hội vững mạnh cũng đồng nghĩa với tổ chức lại sản xuất đáp ứng nhu cầu hiện nay, nhất là nuôi tôm siêu thâm canh lại là yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài.
Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào, địa phương nào, phương thức sản xuất nào, giai đoạn nào, cơ chế nào, mà các đoàn thể mạnh, các hội viên hoạt động có chất lượng, đúng mục đích, đúng nội dung, có giải pháp phù hợp thì có thể vượt qua mọi khó khăn và bí quyết cho mọi thắng lợi.
Ngoài những giải pháp cơ bản của hội, cần phối hợp với các đơn vị có liên quan để hỗ trợ có hiệu quả trong quá trình sản xuất.
Kiến nghị:
- Các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị xã hội, các nhà khoa học, các công ty, doanh nghiệp tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, hội viên thực hiện có hiệu quả trong quá trình liên kết sản xuất.
- Tạo điều kiện hành lang pháp lý cho hội viên, tổ chức cơ sở hội thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ chính đáng và hợp pháp trong sản xuất và quá trình liên kết hợp tác đôi bên đều có lợi.
- Nhà nước các cấp ưu tiên có chính sách đặc thù về cơ sở hạ tầng, nhất là điện, thủy lợi cho vùng sản xuất, có cơ chế, qui hoạch mở và bổ sung, điều chỉnh vùng nuôi thực tế và điều kiện lịch sử, cụ thể sản xuất của người dân Cà Mau.
Trong cuộc hội thảo này, Hội Thủy sản nêu lên một số biện pháp xung quanh lĩnh vực hội. Cuối cùng xin chúc hội thảo thành công tốt đẹp.