Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững chuỗi liên kết ngành hàng tôm tỉnh Cà Mau
Cà Mau có tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, với ba mặt giáp biển, chiều dài bờ biển trên 254 km, có trên 80 cửa sông thông ra biển chịu ảnh hưởng bởi hai chế độ triều đặc trưng của vùng biển Đông và biển Tây. Phần lớn diện tích đất tỉnh Cà Mau đều có nguồn nước với chất lượng khá tốt đáp ứng cho nhu cầu phát triển nuôi tôm. Với trên 300.000 ha nuôi trồng thuỷ sản; trong đó, có trên 278.000 ha nuôi tôm nước lợ, sản lượng tôm năm 2017 đạt 159.000 tấn. Tôm Cà Mau đã được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận (ASC, B.A.P, GlobalGAP, Eu, Nuturland...). Toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp với 32 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm, thiết bị, công nghệ hiện đại so với khu vực và thế giới, công suất trên 250.000 tấn (tôm nguyên liệu)/năm. Hầu hết các nhà máy đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế (SA-8000, ISO 26000, ISO-9001, BRC, B.A.P,...). Tôm Cà Mau đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, bốn thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc.
Mô hình nuôi tôm rừng ở huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Ngọc Thu.
Giá trị sản xuất của ngành tôm tỉnh Cà Mau năm 2017 chiếm 80% trong tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và chiếm 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Nếu tính giá trị tạo ra từ xuất khẩu tôm khoảng 20.000 tỷ/năm (giá hiện hành). Ngành tôm chi phối đến đời sống của khoảng trên 50% dân số của tỉnh (khoảng 600.000 người), ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của khoảng trên 350.000 lao động; trong đó, tham gia trực tiếp hoạt động nuôi tôm khoảng 300.000 lao động. Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Diện tích nuôi tôm của Cà Mau chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước; sản lượng tôm nuôi chiếm 29% sản lượng tôm Đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 22% sản lượng tôm của cả nước; giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm khoảng 01 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Từ lợi thế có diện tích nuôi tôm lớn, với hơn 260.000 ha nuôi tôm sú theo loại hình quảng canh, quảng canh cải tiến, sản lượng tôm sú khoảng 100.000 tấn/năm, đặc biệt trong đó có gần 30.000 tấn tôm sinh thái, có chất lượng và giá trị cao (tôm - rừng, tôm - lúa), đây là thế mạnh không nơi nào có được, góp phần tạo nên thương hiệu tôm Việt Nam nổi tiếng thế giới. Từ tiềm năng, lợi thế, giá trị tạo ra từ tôm Cà Mau, đã đóng góp quan trọng, có vai trò quyết định cho sự phát triển của ngành tôm Việt Nam hiện tại cũng như trong tương lai.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nghề nuôi tôm Cà Mau phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; kết cấu hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi; môi trường nuôi tôm ngày càng ô nhiễm; đất đai bị bạc màu; tổ chức sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chất lượng sản phẩm còn hạn chế, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, giá cả còn bấp bênh; chưa xây dựng được thương hiệu tôm Cà Mau; tỷ lệ các sản phẩm có giá trị gia tăng còn thấp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế. Xuất khẩu tôm luôn gặp nhiều thách thức như: Sự gia tăng các rào cản kỹ thuật, thương mại và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; sự cạnh tranh gay gắt của các nước xuất khẩu tôm.
Xuất phát từ những đòi hỏi khách quan, thực tế sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, có hoạt động phát triển chuỗi giá trị liên kết ngành hàng tôm tỉnh Cà Mau giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đạt được một số kết quả cụ thể như sau:
Thực trạng hợp tác liên kết chuỗi giá trị tôm
Liên kết đầu vào
Từ đầu năm 2016 đến nay đã ký kết 61 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 17 hợp tác xã và 17 tổ hợp tác.
- Công ty tôm giống vùng nuôi: 12 Công ty sản xuất tôm giống (Ninh Thuận, Bình Thuận và Cà Mau). Có 03 công ty tôm giống đạt các chứng nhận quốc tế là Công ty tôm giống Thảo Nguyên, Sú Chân Ðỏ, Việt Úc Cà Mau.
- Ðại lý thức ăn, thuốc hóa chất và chế phẩm sinh học: 04 đại lý (Thức ăn Thăng Long - Uni Ðông Triều - Cái Nước, Thức ăn CP Kỳ Quyên - Tp. Cà Mau, thức ăn Grobest Loan Chiếm - Ðầm Dơi).
- Công ty cung cấp vật tư/thuốc, hóa chất: 04 Công ty (Vietchem, Bayers, Bằng Sơn, Công ty C.P Việt Nam).
- Cung cấp quy trình nuôi tôm siêu thâm canh 02 giai đoạn: Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Trúc Anh và Công ty CP Việt Nam với 07 hợp tác xã/24 hộ nuôi với tổng diện tích 11,76 ha (84 ao) nuôi siêu thâm canh.
Liên kết đầu ra
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), IUCN, WWF, 08 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trong và ngoài nước (Blueyou) đã hỗ trợ vùng nuôi, hộ dân thực hành nuôi tôm rừng bền vững có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn quốc tế. Ðến nay, đã hoàn thành chứng nhận quốc tế (Naturland, Eu, Bio-suisses, B.A.P,..) được 19.000 ha/4.200 hộ. Tổng sản lượng hàng năm ước đạt 8.000 - 10.000 tấn/năm.
- Phối hợp với Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thủy sản (ICAFIS), WWF Việt Nam hỗ trợ 03 doanh nghiệp (Minh Cường, Thanh Ðoàn và Quốc Việt) xây dựng vùng nuôi có chứng nhận quốc tế ASC, BAP. Tổng diện tích 675 ha/552 hộ (150 hộ/50 ha xã Hòa Mỹ - Cái Nước, 496 ha/303 hộ xã Tân Duyệt - Ðầm Dơi và 129 ha/99 hộ xã Lợi An - Trần Văn Thời).
- Phối hợp với Tổ chức đánh giá chứng nhận VietGAP - Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam (FITES) hỗ trợ cho các hộ nuôi tôm tại xã Lợi An - Trần Văn Thời thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP, đã đánh giá và cấp chứng nhận VietGAP cho 99 hộ/100 ha (30 ha tôm thâm canh và 70 ha tôm quảng canh cải tiến). Sản lượng VietGAP ước đạt 174 - 200 tấn/năm. Dự kiến đến tháng 5/2018 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ mở rộng vùng nuôi tôm được thực hành và đánh giá chứng nhận VietGAP (04 hợp tác xã/02 huyện Cái Nước, Đầm Dơi) 621 ha/221 hộ.
- Doanh nghiệp thủy sản chi trả dịch vụ môi trường rừng cho hộ dân tối thiểu là 500.000 đ/ha (có rừng). Chi trả dịch vụ môi trường rừng: 991 hộ/4.900 ha. Từ năm 2016 đến nay đã chi trả dịch vụ môi trường rừng cho 991 hộ với tổng số tiền 02 tỷ đồng cho các hộ dân tại các Ban Quản lý rừng Nhưng Miên, Kiến Vàng và Năm Căn.
- Doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi có chứng nhận quốc tế cam kết hỗ trợ các hộ nuôi tôm với mức 08 triệu đồng/ha nuôi tôm thâm canh và 500.000 đ/ha nuôi tôm quảng canh. Tổng số tiền các doanh nghiệp Minh Cường, Quốc Việt và Thanh Ðoàn đã giải ngân khoảng 01 tỷ đồng.
Đánh giá thuận lợi và khó khăn
Thuận lợi
Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự tham gia hỗ trợ nhiệt tình, có hiệu quả của các tổ chức phi Chính phủ thông qua các chương trình, dự án và các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách đã hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau, góp phần hoàn thành kế hoạch ngành hàng tôm tỉnh Cà Mau.
Khó khăn
- Việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình liên kết sản xuất, mối liên kết "4 nhà" vẫn chưa thắt chặt như mong muốn, các mối liên kết dọc và ngang hình thành và phát triển khó khăn. Cụ thể, mối liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nuôi trong các hợp tác xã vẫn còn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau…Hợp đồng bao tiêu tôm nguyên liệu thể hiện tính pháp lý chưa cao, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua nên rất dễ bị phá vỡ hợp đồng.
- Trong khi đó, vai trò liên đới giữa "4 nhà" lại thiếu chặt chẽ và chưa mang tính đồng bộ. Việc chưa tích cực của Chính quyền địa phương tham gia hỗ trợ xử lý các tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa hộ nuôi và doanh nghiệp. Vì thế, thời gian qua còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp và nông dân phá vỡ hợp đồng khi có sự biến động về giá, thị trường tiêu thụ…
- Ngoài ra, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thiếu vốn; tập quán canh tác lạc hậu; trình độ học vấn thấp; thiếu kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của nông dân, các tổ, nhóm, hợp tác xã cũng ảnh hưởng rất lớn đến các mô hình liên kết.
- Thay vì liên kết để thu mua trực tiếp từ nông dân thì doanh nghiệp lại duy trì kết nối với hệ thống thương lái để giảm thiểu rủi ro. Thêm vào đó, việc thực hiện các giải pháp đồng bộ mới mẽ trong nông nghiệp nói trên vẫn chưa có một chính sách khuyến khích mọi thành phần tham gia. Chưa thấy sự quyết tâm của thành phần nòng cốt: Nhà nông, doanh nghiệp và Nhà nước...
- Trong các chuỗi giá trị ngành hàng tôm, đầu tư vào khâu chế biến và bảo quản vẫn còn những bất cập. Vì thế, giá trị gia tăng các mặt hàng có giá trị gia tăng còn thấp chiếm khoảng 60% trong giá trị xuất khẩu và còn lại 40% hàng truyền thống. Vì vậy, sức cạnh tranh của mặt hàng tôm Việt Nam nói chung và tôm Cà Mau nói riêng còn rất thấp.
- Còn thiếu sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương tại một số địa phương trong việc mời gọi, thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị tôm. Chính vì vậy, chưa thiết lập được nhiều mô hình liên kết hiệu quả.
Giải pháp phát triển bền vững chuỗi liên kết ngành tôm Cà Mau
- Chính quyền các cấp: Đóng vai trò tổ chức và điều phối giữa các thành phần; có kế hoạch cụ thể cho tiến trình liên kết; thúc đẩy việc xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, câu lạc bộ, nhóm sản xuất của nông dân; có chiến lược quy hoạch các vùng nguyên liệu có tiềm năng đáp ứng được nhu cầu của công ty/doanh nghiệp; có chính sách hay huy động các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân và công ty trong sản xuất và tiêu thụ.
- Doanh nghiệp: Có chiến lược dài hạn, lấy chữ tín làm đầu và tạo ra nhiều cơ chế thu hút sự tham gia của các bên cũng như cần có cơ chế chia sẻ lợi ích kinh tế cho các bên tham gia; đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và hợp tác với nông dân để bảo đảm nguồn cung ứng bền vững; xây dựng khu vùng nuôi có chứng nhận quốc tế riêng của các công ty.
- Nhà khoa học: Nhà khoa học tham gia xây dựng quy trình sản xuất tiên tiến bảo đảm chất lượng như VietGAP, ASC, EU hay các tiêu chuẩn Organic. Chương trình tư vấn giúp doanh nghiệp/công ty cũng cần có những hợp đồng nghiên cứu hay chuyển giao công nghệ sản xuất tôm giống sạch bệnh như hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp thì mới phát huy hiệu quả và bền vững.
- Hộ nuôi tôm: Cần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống và phải tuân thủ triệt để theo quy trình sản xuất đã được đưa ra bởi nhà khoa học hay ràng buộc của công ty; nông dân cần năng động liên kết lại với nhau để thành lập các hợp tác xã, nhóm nông dân nuôi tôm để tăng khả năng cạnh tranh và thuận tiện khi tham gia liên kết cũng như tiếp nhận và thụ hưởng những chính sách từ nhà nước và tổ chức khác. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần giữ chữ tín và tuân thủ hợp đồng đã ký kết với các doanh nghiệp, không tự ý phá vỡ khi giá cả biến động, như thế mối liên kết này mới thực sự đem lại hiệu quả thiết thực.
- Ngân hàng: Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các địa phương thiết lập cơ chế, xây dựng chính sách cho vay theo chuỗi giá trị nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ về cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông – lâm - thủy sản hướng đến xuất khẩu.
Vũ Đức Hùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau