Tham luận hội nghị

Nuôi tôm siêu thâm canh, hợp tác liên kết 4 nhà phát triển bền vững

09/11/2018 11:02:38 AM
Màu chữ Cỡ chữ


I. TÌNH HÌNH NUÔI TÔM SIÊU THÂM CANH TỈNH CÀ MAU

Tỉnh Cà Mau có nhiều yếu tố tự nhiên, khí hậu, thời tiết thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh.
Từ khi tỉnh Minh Hải (Cà Mau) được Chính phủ cho phép chuyển một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Nói chung, qua nhiều hình thức nuôi tôm từ sau chuyển dịch cơ cấu sản xuất như: Nuôi tự nhiên, quảng canh truyền thống, quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh đều mang lại hiệu quả so với thời gian sản xuất các loài cây, con khác trước đó, nhưng đặc biệt là thời gian gần đây, từ năm 2016 đến nay, nuôi tôm siêu thâm canh có thể nói có hiệu quả nhất so với các hình thức nuôi tôm trước đó.

 

Tôm siêu thâm canh có thể nuôi từ 3 - 4 vụ/năm. Ảnh: Ngọc Thu.


Do điều kiện thời tiết, thiên nhiên, khí hậu khắc nghiệt các hình thức nuôi trước đây không còn phù hợp và cũng lắm rủi ro, có một số bà con tâm huyết với nuôi tôm cũng từ từ không còn giữ lại diện tích đã nuôi, người nuôi từ từ giảm, có một số hộ đành bỏ đất, cố đất thậm chí phải xa phương cầu thực.

    Cái khó không bó cái khôn, bà con nuôi tôm Cà Mau không thể ngồi chờ trời đất ban bố. Đầu năm 2016, ở nhiều nơi trong khu vực chuyển từ nuôi tôm thâm canh truyền thống sang nuôi siêu thâm canh năng suất cao, nhất là Việt Úc Bạc Liêu. Người nuôi thấy rằng nuôi siêu thâm canh là hình thức nuôi khép kín từ khâu đầu đến khâu cuối, quản lý được qui trình nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, quản lý chặt chẽ được môi trường, nước thải, nhưng cũng không ít khó khăn cơ sở hạ tầng, đồng vốn kỹ thuật cao.

Trong thời gian không lâu, năm 2016 tỉnh có 176 ha đến nay (đầu năm 2018) có khoảng 1.700 ha, năng suất bình quân 1 vụ nuôi từ 7 - 10 tấn/ha có nơi hộ dân nuôi từ 3 - 4 vụ. Như vậy, nuôi siêu thâm canh bình quân tổng diện tích 1 ha cũng có 40 - 50 tấn/ha/năm (Diện tích thực nuôi 1 ha 40 tấn - 2 đến 3 vụ có thể trên 100 tấn/ha/năm).

Thực trạng nuôi tôm siêu thâm canh năng suất cao ở Cà Mau không lâu, diện tích cũng không lớn so với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh, song chúng tôi nhận thấy có những thuận lợi, khó khăn cơ bản như sau:

a.    Thuận lợi

- Ngoài những thuận lợi của chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Ngày gần đây, có sự chỉ đạo trực tiếp sâu sát và chặt chẽ của các cấp lãnh đạo cũng như sự vào cuộc của ban ngành, đoàn thể, các công ty, doanh nghiệp, nhất là sự chuyển biến thật sự và quyết liệt của bà con nuôi tôm.

- Hiệu quả của việc nuôi tôm siêu thâm canh cũng là động lực khích lệ cho người nuôi, tỷ lệ rủi ro trên 15 - 20% là lý tưởng.

- Quản lý môi trường, dịch bệnh, con giống, thuốc, thức ăn được quan tâm có kết quả.

- Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật tuy chưa đáp ứng yêu cầu nhưng cũng có bước chuyển biến đáng kể.

- Những tháng đầu năm 2018 thời tiết, khí hậu… giá cả thị trường cơ bản thuận lợi.

b. Hạn chế

Những năm gần đây tình hình thời tiết bất ổn khó lường, nhất là trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, môi trường nước trên sông rạch nhiều nơi bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, nhất là chất thải sinh hoạt cũng như sản xuất.

- Hiện trạng tôm nuôi (siêu thâm canh) phát triển nhanh ngày gần đây, nhưng chưa vững chắc, phần lớn tự phát, ngoài qui hoạch, rải rác khắp trong tỉnh, kể cả những nơi cơ sở hạ tầng (thủy lợi, điện…) quá yếu kém, thậm chí ở những vùng ngọt hóa.

- Một bộ phận thiếu vốn, việc tiếp cận với ngân hàng, liên kết với các doanh nghiệp luôn gặp khó khăn với nhiều lý do, có lẽ là chi phí cho 1 vụ nuôi quá lớn, người sản xuất chỉ có vốn duy nhất là tư liệu sản xuất chủ yếu đất, nhiều hộ nông dân muốn nuôi không đủ điều kiện nuôi.

    II. GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC CÁC YẾU TỐ NUÔI TÔM SIÊU THÂM CANH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

    1. Nuôi tôm siêu thâm canh cần có liên kết hợp tác 4 nhà là xu thế tất yếu hiện nay

    Nuôi tôm siêu thâm canh là một qui trình áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đòi hỏi phải có đầy đủ các yếu tố bảo đảm nuôi bền vững. Những yếu tố cần phải có:

    - Nuôi tôm phải là nơi được qui hoạch cơ sở hạ tầng đủ điều kiện nuôi như: Thủy lợi, cung cấp nước thoát nước an toàn (không bị ô nhiễm).
    - Phải được tiếp thu qui trình nuôi đúng theo cơ quan chuyên ngành qui định.

    - Phải có diện tích đất đủ theo qui định, qui trình kỹ thuật nuôi cho phép.

    - Phải có lao động có trình độ tiếp thu khoa học kỹ thuật vận dụng vào nuôi tôm.

    - Phải có vốn đủ đảm bảo cho nuôi theo qui trình (nhất thiết phải có sự hỗ trợ vốn, ngân hàng và doanh nghiệp), bản thân người nuôi ít có người đủ vốn.
    - Phải có lưới điện an toàn và ổn định.

    - Cần có con tôm giống chất lượng, vì loại hình này con giống rất quan trọng, quyết định cho kết quả.

    - Phải có thức ăn tôm chất lượng, thuốc thú y, thủy sản tốt để sử dụng trong quá trình nuôi.

    - Khi nuôi thành công thì cần có đầu ra, giá cả ổn định mới yên tâm sản xuất.

    Từ những yếu tố trên, cần thiết phải có sự hợp tác liên kết thì nuôi tôm siêu thâm canh mới có thể phát triển bền vững.

    2. Những đối tác để hợp tác liên kết

    Chúng ta cần nắm vững về luật pháp, qui định của Nhà nước, về pháp nhân đủ tư cách để hợp tác tự nguyện đôi bên cùng có lợi.

    - Đối với Nhà nước, người đại diện ở địa phương là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, vì xã phường, thị trấn là nơi đại diện cho Nhà nước giải quyết các chủ trương, chính sách ở tại xã, như: Vùng nuôi, bảo vệ môi trường, đăng ký nuôi tôm, cần xin điện, vay vốn, chứng nhận hợp tác.
    - Đối với hộ nuôi tôm là: Chủ hộ, tổ viên tổ hợp tác, xã viên hợp tác xã, tổ trưởng tổ hợp tác, giám đốc hợp tác xã.

    - Đối với các doanh nghiệp là: Giám đốc.    

    - Đối với các nhà khoa học.

    3. Tổ chức hợp tác liên kết

    Ta lấy cơ sở (chủ thể) nhu cầu để hợp tác.

    Người sản xuất hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã làm trung tâm, gắn lợi ích của các bên cần hợp tác, cần thỏa thuận phù hợp, mặt nào ký kết hợp tác mặt đó, không nhất thiết cần đủ 4 nhà mới ký hợp tác. Cụ thể, như cần phải đảm bảo vùng nuôi, qui trình nuôi bảo vệ môi trường, điện sản xuất, tôm giống, thức ăn tôm, thuốc thú y thủy sản, về kỹ thuật nuôi… hợp tác cùng có lợi.

    4. Lãnh đạo tổ chức ký kết hợp tác

    - Đã qua, đối với tỉnh Cà Mau đã có chủ trương và đã có ký kết hợp tác 4 nhà, sau đó một thời gian do bất đồng về lợi ích tự tách ra. Nhưng đến nay phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, cần thiết phải hợp tác liên kết, bởi vì nuôi vốn đầu tư lớn, qui trình kỹ thuật cao, các yếu tố bảo đảm cho nuôi tôm cần thiết, phải hợp tác và liên kết mới phát triển bền vững được.

    - Về lãnh đạo, chỉ đạo, ta xem đây là thời cơ để chỉ đạo hợp tác.

    - Về chỉ đạo cấp tỉnh, huyện có tổ chức ban chỉ đạo, gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chuyên môn trực thuộc, Hội Thủy sản, Liên minh Hợp tác xã, các hội đoàn thể tham gia (cấp huyện cũng vậy).

    - Về quan điểm chỉ đạo không cầu toàn, không nóng vội, khâu nào ký kết khâu đó, từng bước một, làm cho các bên họ thấy có lợi tự họ đến với nhau. Ta có trách nhiệm gắn kết cho họ đi đúng hướng.

    - Về nội dung:

    + Xoay quanh chuyên đề về nuôi tôm siêu thâm canh, những chủ trương qui định của Nhà nước và địa phương.

    + Về nuôi tôm siêu thâm canh cần có các yếu tố cần thiết như đã nêu thì mới phát triển và mang lại lợi ích các bên. Nhưng người nuôi tôm có lợi nhất.

    + Về tổ chức, ta làm cầu nối kết các bên với nhau một cách tự giác đôi bên cùng có lợi, ký kết bảo đảm lợi ích của nhau, phải lấy luật pháp làm cơ sở, qui định về trách nhiệm của đôi bên.

III. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỢP TÁC 4 NHÀ

    Theo nhận định của chúng tôi, lúc bấy giờ hợp tác liên kết là thời điểm thích hợp nhất, có thể từ nay tới năm 2020 là giai đoạn đầu, sau 2020 đến 2025 sẽ là cao điểm của nuôi tôm siêu thâm canh, việc hợp tác liên kết sẽ gắn theo sự phát triển chung của nuôi tôm siêu thâm canh. Kết quả cao hơn, hợp tác liên kết sẽ thành công. Nếu thực hiện tốt các khâu hợp tác sẽ đem lại hiệu quả cho người sản xuất và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm siêu thâm canh nói riêng theo chủ trương nhà nước hiện nay cần liên kết 4 nhà để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc liên kết hợp tác là xu hướng của thời đại, nếu không liên kết hợp tác thì hiệu quả thành công sẽ không như mong đợi.

    Nhìn chung, hợp tác liên kết trong hoạt động thủy sản đã được Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, thời gian qua, quá trình tổ chức thực hiện còn phát sinh vướng mắc vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, mà cốt yếu là lợi ích kinh tế giữa các bên. Do vậy, chúng ta cần có những giải pháp khắc phục hợp lý, tin tưởng rằng nó sẽ trở thành điều kiện động lực phát triển tốt, góp phần đưa nền kinh tế thủy sản chúng ta đi lên bền vững.
1. Lợi ích về kinh tế

    - Loại hình nuôi tôm siêu thâm canh ít rủi ro, vòng vốn quay nhanh, năng suất, sản lượng ổn định cao, hiệu quả kinh tế rất tốt so với những loại hình nuôi khác.
    - Tuy vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng thu hồi nhanh, tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn đầu tư cao.
    - Nâng cao giá trị thu hoạch trên cùng diện tích sản xuất, tăng nhanh thu nhập, ổn định đời sống, tạo điều kiện thuận lợi cho tái sản xuất.

2. Lợi ích xã hội đem lại

    - Tạo ra nhiều sản phẩm, ổn định cung cấp cho xã hội và phục vụ chế biến xuất khẩu.

    - Giải quyết lao động nâng cao trình độ tay nghề và nguồn thu nhập ổn định đảm bảo được đời sống.

    - Huy động được từ nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

    - Đây là loại hình nuôi giúp người sản xuất khắc phục rủi ro, dịch bệnh trong điều kiện ô nhiễm môi trường hiện nay.

    - Thay đổi nhanh bộ mặt nông thôn mới, cũng như tập quán sản xuất cũ và ứng dụng đưa khoa học vào thực tiễn sản xuất.

IV. KIẾN NGHỊ

    - Đối với qui hoạch: Ngoài qui hoạch chung cần có qui hoạch mở phù hợp với đặc điểm vùng nuôi thực tế, với tập quán sản xuất; đồng thời, thông báo phổ biến rộng rãi cho Nhân dân biết để thực hiện.

    - Nhà nước tăng nguồn kinh phí, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hợp lý nhất là thủy lợi, hệ thống điện năng (đặc biệt là bình hạ thế) để phục vụ cho loại hình nuôi công nghiệp, nhất là nuôi siêu thâm canh. Ngoài ra, có chính sách huy động từ các nguồn vốn khác.

    - Tăng thêm nguồn vốn tín dụng, có cơ chế tốt hơn đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng ao, đầm, nhà lưới, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, hợp tác cùng tham gia thực hiện chuỗi liên kết, cùng với các Viện, trường, nhà khoa học vào cuộc sâu hơn.

    - Nhà nước có hành lang pháp lý để thực hiện liên kết hợp tác, tăng cường giám sát chính quyền địa phương.

    - Tuyên truyền vận động trong Nhân dân hưởng ứng phong trào nuôi; đồng thời, có chính sách khuyến khích loại hình nuôi này.
                  

Hội Thủy sản tỉnh Cà Mau

Các tin khác

  • (13/11/2018)
  • (06/11/2018)
  • (31/10/2018)
  • (31/10/2018)
  • (30/10/2018)
  • (26/10/2018)
  • (25/10/2018)
  • (24/10/2018)
  • (23/10/2018)
  • (23/10/2018)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối