Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất ở Cà Mau và được xếp vào danh sách 60 lễ hội tiêu biểu ở Việt Nam. Lễ hội có nguồn gốc từ lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân may mắn làm ăn phát đạt, ngư dân ra khơi đánh bắt an toàn, bội thu... Lễ hội Nghinh Ông gắn liền với tín ngưỡng dân gian và đền thờ Cá Ông ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc diễn ra vào 03 ngày 14, 15 và 16 tháng 2 âm lịch hàng năm.
Cá Ông (một loài cá Voi) được xem là một loài cá linh thiêng, giúp đỡ ngư dân trong lúc ra biển, gặp cơn sóng to, gió lớn hay trong mưa bão. Đây là điểm tựa về mặt tinh thần của nhiều thế hệ ngư dân khi lênh đênh trên mặt biển. Cuối thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn sắc phong cho cá Ông là Nam Hải Đại Tướng quân, đây là danh hiệu chính thức được triều đình nhà Nguyễn công nhận, nên hầu hết các địa phương trên cả nước đều lập nơi thờ phụng cá Ông để tỏ lòng thành kính.
Theo truyền thuyết lịch sử: Trên đường xuôi về Nam bôn tẩu, Nguyễn Ánh bị quân của Tây Sơn rượt đuổi thì bất ngờ có cơn bão lớn ập đến, thuyền của Nguyễn Ánh tròng trành, bỗng đâu ở dưới nước xuất hiện cá Ông đỡ thuyền đưa vào bờ. Sau khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long nhớ ơn cứu giá, Vua liền phong cho Ông tước vị “Nam Hải Cự Tộc, Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần”, và truyền dụ các làng chài mà thuyền rồng xưa từng cặp bến, lập lăng, dựng miếu để phụng thờ.
Bàn thờ thần Nam Hải trong Chánh điện Lăng Ông.
Vào tháng 7 năm 1825, vua Minh Mạng lại tiếp tục gia phong cho cá Ông, trong bản sắc phong có đoạn: “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần, nay nối tiếp là sáng tỏ nghiệp lớn liên miên, nghĩ tới sự tốt đẹp của cha ông, để thích nghi với ân điển gia phong. Từ tế chi thần chuẩn cho các đội Trường Đà Thức Phiên Hiểu (thủy quân) phía Nam thờ phụng Cá như cũ. Thần Hải linh ứng, giúp đỡ dân, nay chiếu tháng 7 năm 1825 đời Minh Mạng sắc phong: “Đại Càng Quốc Gia Nam Hải đại tướng quân”. Truyền thuyết này đã ảnh hưởng khá mạnh mẽ đối với ngư dân nhiều vùng, trong đó có thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Sông Đốc hay sông Ông Đốc là một địa danh có cảng biển sầm uất, sử cũ gọi là Đốc Huỳnh Cảng, khá nổi tiếng từ cách đây gần 300 năm. Đây là nơi giao thương kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới từ giữa thế kỷ XVIII.
Đối với Lăng Ông ở Sông Đốc, các lớp ngư dân ở đây tương truyền rằng: Vào ngày 15/7/1925, sau một đêm bão tố mịt mùng, một xác cá Ông (Cá Voi) dài 20,3 mét trôi dạt vào Vàm Xoáy, Rạch Gốc (thuộc huyện Ngọc Hiển ngày nay). Các ngư dân cao niên đã thỉnh xác cá Ông về vàm Rạch Ruộng cất Lăng thờ cúng vị Ân ngư, người bạn đường của ngư phủ trên biển cả.
Các thành viên trong Ban Trị sự tề tựu đầy đủ trong Chánh điện Lăng Ông cùng học trò lễ thực hiện nghi thức Nghinh Ông trước bàn thờ thần Nam Hải.
Năm 1943, tàu Pháp tuần tiểu bắn đạn pháo vào làm cháy Lăng Ông, ngư dân Sông Đốc đã liều mình trong lửa đỏ để cứu hài cốt của cá Ông. Hài cốt đó do đã cháy mất nhiều nên ngư dân đã quấn vải đỏ và lập Lăng mới tại vàm sông Ông Đốc để tiếp tục thờ cúng Ông. Bên cạnh đó, ngư dân đã thành lập Vạn Lăng Ông gồm: Các ngư phủ yêu nghề biển cùng các thương nhân kinh doanh, chế biến hải sản và các tiểu thương làm dịch vụ nghề cá cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau về vốn và kinh nghiệm ngư nghiệp; đồng thời, để quản lý và hằng năm làm lễ Nghinh Ông nên Vạn dân đã bầu ra Ban Trị sự Lăng Ông để đại diện ngư dân nơi đây trị sự và đối ngoại cho Vạn Lăng Ông.
Năm 1960, chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt, vùng Sông Đốc bị địch xây dựng 09 tiền đồn. Nhằm đảm bảo an ninh cho Đồn Sông Đốc, Trưởng Đồn đã buộc Vạn dân phải di dời Lăng Ông từ Vàm Sông Đốc về vị trí hiện nay, Lăng Ông đang tọa lạc tại khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn Giải phóng, thống nhất đất nước 30/4/1975, với sự giúp đỡ của ngư dân thập phương, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Lăng Ông đã nhiều lần được, trùng tu, tôn tạo và nâng cấp, trở thành một Di tích Lịch sử - Văn hóa khang trang và đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 25/7/2018, một biểu tượng tinh thần cao đẹp của ngư dân và ngành ngư nghiệp tỉnh Cà Mau. Vạn lăng đã qua nhiều đời Chánh chủ, nhiều lần di dời, nâng cấp nhưng vẫn giữ được truyền thống của ngành ngư nghiệp Cà Mau và nhiệt huyết của nhiều thế hệ cha ông đi trước, đó là lòng yêu nghề, yêu biển, yêu quê hương đất nước, sự đoàn kết, khắng khít, tình tương thân tương ái vượt lên những thách thức, nguy hiểm của nghề đánh bắt, khai thác thủy sản xa bờ.
Đoàn lân, trống, chiêng, nhạc lễ tham gia lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc.
Lăng Ông hiện nay được xây dựng năm 1963, được tu bổ, sửa chữa nhỏ vào năm 1990. Các công trình trong Lăng Ông Nam Hải gồm có: Tiền sảnh, chánh điện, miếu Bà Thủy Long thần nữ, miếu Thành Hoàng, nhà khách, nhà khói cùng các công trình phụ trợ khác. Khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích gồm có Lăng Ông và phần đất xung quanh Lăng, tổng diện tích 815,4m2, tại khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Hằng năm, vào 03 ngày: 14, 15 và 16 tháng 2 Âm lịch người dân nơi đây và các vùng lân cận đều tổ chức lễ nghinh (rước) Ông về, với các nghi thức chính như: Nghinh Ông (trưa ngày 15/2 Âm lịch), Tế Tiền Hiền (tối ngày 15/2 Âm lịch) và sau cùng là Chánh Tế, Tống Ôn (khuya 15/2 Âm lịch).
Tàu, thuyền của ngư dân nối đuôi nhau cùng tiến ra biển tham gia lễ Nghinh Ông.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc hằng năm quy tụ về hàng nghìn chiếc ghe, tàu đánh bắt trên biển. Trong đó, các vị chức sắc trong “Vạn Ban” chọn từ 01 đến 03 chiếc tàu để làm phương tiện thực hành nghi lễ Nghinh Ông, số đông tàu, thuyền còn lại nối đuôi nhau cùng tiến ra biển, tạo nên một khung cảnh vô cùng náo nhiệt. Hàng nghìn chiếc tàu cùng nhau tiến ra biển đến khi nào gặp được cá Ông phun nước (tục gọi là Ông dội) thì rước Ông vào. Nếu không gặp Ông thì khi đoàn tàu đến lằn nước trong thì xin rước (tượng trưng) Ông về. Xen kẽ với các cuộc lễ là những phần hội vô cùng sinh động và náo nhiệt, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng biển.
Hiện nay, tại Lăng Ông trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn lưu giữ những sắc phong trong đó chứa nhiều thông tin liên quan đến lịch sử hình thành địa danh, phong tục, tín ngưỡng ở địa phương, cũng như sự tiếp biến và giao thoa văn hóa giữa cư dân bản địa với các khu vực khác.
Trên Tàu nhà thủy lục đi đầu, Chánh chủ đọc bài nguyện hương, dâng trà, rượu, xin keo thỉnh (đón) Ông về Lăng.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc không chỉ là tấm gương phản chiếu bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc của ngư dân nơi đây, mà nó còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển Cà Mau. Quan trọng hơn cả, Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc chính là nguồn sử liệu vô cùng phong phú và xác thực về những bằng chứng liên quan đến chủ quyền biển đảo, về kinh nghiệm ứng xử với biển của các thế hệ người Cà Mau nói riêng và người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Tín ngường thờ cúng Cá Ông nói chung và Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc nói riêng là môi trường duy trì, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công đức của Cá Ông như một vị thần biển, cứu giúp ngư dân khi gặp hoạn nạn cũng như mang đến cho họ những vụ mùa biển bội thu, cho cuộc sống được an bình và no đủ. Thực hành Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc cũng là cơ hội để cộng đồng ôn lại lịch sử cộng đồng mình, tưởng nhớ các vị Thành hoàng, tiền hiền có công lập làng, tạo nghề và dạy nghề cho cư dân.
Chánh điện Lăng Ông Nam Hải, khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được xác định là một sản phẩm văn hoá đặc thù, là bộ phận cấu thành tài sản văn hóa của Cà Mau nên cần được khai thác, phát huy đúng cách, đúng hướng để có thể tạo thêm việc làm, tăng cường phát triển kinh tế địa phương, mang lại nguồn lợi sống bền vững cho chính cộng đồng sở hữu di sản. Di sản Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc cần được nhìn nhận như loại tài sản đặc biệt vì đây là loại tài nguyên văn hóa - kinh tế có khả năng gia tăng giá trị theo thời gian. Do đó, việc sử dụng và khai thác di sản này gắn với phát triển kinh tế - xã hội nếu được tính toán kỹ lưỡng một mặt sẽ mang lại lợi ích trước hết vì cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, một mặt góp phần tích cực vào bảo vệ và phát huy giá trị bản sắc văn hoá người dân Cà Mau.
Ngày 03/02/2021, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành quyết định số 600/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội truyền thống: Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc.
Tin vắn
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các huyện: Thới Bình, Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời về việc xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
- Tỉnh Cà Mau Mau phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa năm 2024.
- Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc cấm Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc tham gia hoạt động đấu thầu trong thời gian 03 năm.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
- Treo cờ Tổ quốc tại trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh từ 06 giờ ngày 13/12/2024 đến hết ngày 13/12/2024.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện cao điểm trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường thu ngân sách Nhà nước các khoản thu liên quan đến đất đai trong tháng cuối năm.
- Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký quyết định phê duyệt dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để mở rộng, nâng cấp Cảng Hàng không Cà Mau.