Di sản văn hóa phi vật thể

Lễ hội vía Bà Thủy Long

15/11/2023 07:58:08 AM
Màu chữ Cỡ chữ

Lễ hội vía Bà Thủy Long là loại hình lễ hội truyền thống. Chủ thể văn hóa là cộng đồng cư dân thuộc xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi.
 

Lễ rước Bà Thủy Long cung thần nữ.
 

Miếu Bà Thủy Long nằm trên phần đất rộng 1.200m², tọa lạc tại ngã ba Thị Vạn, thuộc ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi.

Theo tài liệu được lưu lại và qua lời kể của Ban Trị sự miếu thì ngôi miếu Bà Thủy Long (Thủy Long cung thần nữ) tại ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi được lập vào khoảng đầu thế kỷ XIX.

Miếu Bà Thủy Long ban đầu được dựng lên bằng cột tràm, lợp lá dừa nước, mặt trước quay về hướng Tây Bắc (hướng về vàm Bỏ Mũ – Bàu Dừa). Miếu được con cháu của 2 ông Tô Minh Chánh và Nguyễn Văn Lành thường xuyên chăm sóc, thờ cúng, có thành lập Ban Hội miếu, về sau phát triển thành Ban Quản trị miếu, với số lượng trung bình hơn 35 thành viên.

Ngôi miếu thờ Bà Thủy Long trở thành nơi ghi dấu của quá trình khai hoang, mở cõi của cộng đồng người Việt trên vùng đất mới, nay thuộc xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi. Từ 2 kiến họ ban đầu (họ Tô và họ Nguyễn), trải qua hơn 200 năm đã phát triển cộng đồng dân cư đông đúc với hơn 60 kiến họ, hơn 200 năm qua người dân xã Thanh Tùng và Nhân dân các vùng lân cận đã duy trì việc thờ cúng Bà Thủy Long, mà ngày nay trở thành tín ngưỡng đặc trưng của cư dân vùng sông nước Cà Mau.
 

Miếu thờ Bà Thủy Long.
 

Hằng năm, vào ngày 15 đến ngày 17 tháng 2 (âm lịch), người dân xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi tổ chức lễ hội vía Bà rất trang nghiêm, thành kính và nhộn nhịp, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham gia. Lễ cúng miếu Bà Thủy Long cũng được Nhân dân gọi là Lễ Kỳ Yên (cầu an) với mục đích cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đây là một trong những lễ hội lớn và lâu đời của tỉnh Cà Mau, đặc biệt là lễ hội gắn liền với tín ngưỡng thờ “Thủy Long cung thần nữ” của người dân sinh sống tại vùng đất xã Thanh Tùng và các vùng lân cận.

Lễ hội vía Bà Thủy Long được tổ chức chu đáo và bài bản, đảm bảo an ninh, trật tự trong việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian và có ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở con cháu gìn giữ đạo đức, lối sống, đoàn kết, yêu thương nhau.

Về giá trị lịch sử, lễ hội vía Bà Thủy Long chứa đựng thông tin về quá trình khai phá vùng đất Thanh Tùng (xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi ngày nay) trong bối cảnh cư dân người Việt vào khai phá vùng đất Cà Mau.

Về giá trị văn hóa, lễ hội vía Bà Thủy Long góp phần khẳng định sự tồn tại của tín ngưỡng thờ Thủy Long thần nữ trên vùng đất Cà Mau như một tín ngưỡng đặc trưng, nổi trội. Đây là hình thức tín ngưỡng dân gian gắn liền với cư dân miền sông nước, đã tồn tại hàng trăm năm qua trong đời sống tinh thần người dân Nam Bộ nói chung, người Cà Mau nói riêng.
 

Chánh điện là khu vực thờ cúng chính của miếu.
 

Về giá trị khoa học, tín ngưỡng thờ cúng Bà Thủy Long, từ Bắc Trung Bộ vào tới Nam Bộ, về cơ bản là giống nhau, nhưng sắc thái văn hóa địa phương, vùng miền không chỉ thể hiện trong cách xây dựng đền miếu, sự bổ sung các đối tượng thờ cúng do đó có các nghi thức tế lễ/thực hành nghi thức khác nhau cũng như các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian trong lễ hội.

Lễ hội vía Bà Thủy Long vẫn được duy trì bởi hầu hết cộng đồng cư dân tại xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi cũng như nhiều nơi khác tham gia. Là tín ngưỡng đặc thù, tín ngưỡng thờ cúng Bà Thủy Long đã trở thành một biểu tượng tâm linh của cư dân tỉnh Cà Mau.

Ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 3442/QĐ-BVHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống - Lễ hội vía Bà Long Thủy, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi.

NT

Các tin khác

  • (14/11/2023)
  • (14/09/2023)
  • (27/02/2023)
  • (22/02/2023)
  • (08/02/2023)
  • Trang đầu 1 Trang cuối

Tin vắn