Nghệ thuật nhạc trống lớn của người Khmer, huyện Thới Bình
Nghệ thuật nhạc trống lớn của người Khmer huyện Thới Bình là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian; chủ thể văn hóa là cộng đồng người Khmer thuộc 2 xã Tân Lộc và Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.
Quan cảnh trình diễn nhạc trống lớn của người Khmer tại chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.
Theo các nghệ nhân kể lại, nhạc trống lớn ở Cà Mau được ông Hữu Pinh, Hữu Mốt ở Trà Vinh xuống Cà Mau lập gia đình, sinh sống ở vùng đất Tân Lộc, thuộc huyện Thới Bình mang theo và thực hành từ những năm cuối thế kỷ XIX.
Đến năm 1922, các vị sư, đồng bào phật tử và người dân lân cận bắt tay nhau góp vốn xây dụng ngôi chùa có tên gọi là chùa Trâu Trắng (Bạch Ngưu), Nhạc trống lớn ở khu vực này cũng bắt đầu được hình thành và thường xuyên chơi tại đây. Đến năm 1958, chùa đã dời về cạnh Quốc lộ 63 đổi thành tên chùa Cao Dân cùng với việc xây dựng ngôi chùa, nhạc trống lớn (Plêng Skor Thom) dần đi vào tổ chức ổn định. Nghệ thuật chơi trống lớn ngày càng được nhiều người biết đến hơn và có nhiều thành viên trong và ngoài Phum, Srok khác đến học hỏi, như nhóm Phum Ph’niếc của ấp Cây Khô và Phum T’rung Khmer của chùa Rạch Giồng, là hai nhóm nhạc thuộc huyện Thới Bình. Ngoài ra, ở Cà Mau vẫn còn một số huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer và có một số thành viên biết sử dụng nhạc cụ, nhưng họ không tổ chức lập thành nhóm để phục vụ trong ngày lễ mà cho đến khi diễn ra lễ hội lớn ở chùa, ở phum, srok hoặc ở tại nhà của người dân thì họ mời nhóm nhạc ở phum, sróc khác đến cùng phục vụ diễn tấu.
Nghệ nhân Hữu Văn Dũng biểu diễn nhạc cụ Skor Thom (trống lớn).
Dàn nhạc trống lớn (Plêng Skor Thum) là loại dàn nhạc đặc trưng, được sử dụng cho các giai điệu buồn bã, tang tóc, tiết tấu chậm rãi, dìu dặt… Trong dàn nhạc này, trống lớn đóng vai trò rất quan trọng khi diễn tấu, mỗi nhịp trống phát ra có âm thanh trầm và vang xa là để thể hiện sự rung động cảm xúc xót thương đến tột cùng…
Hiện nay, dàn nhạc trống lớn của đồng bào dân tộc Khmer Cà Mau đã có xu hướng phát triển mạnh mẽ ở trong và ngoài tỉnh lân cận. Chính vì vậy, các thành viên trong nhóm dàn nhạc trống lớn của đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau luôn rất quan tâm, giữ gìn và phổ biến rộng rãi di sản văn hóa nhạc trống lớn.
Nghệ nhân Hữu Văn Ken chuẩn bị mâm lễ vật cúng tổ nghề tại gia đình.
Dàn nhạc trống lớn được sử dụng trong các không gian văn hóa như: Các ngày lễ chính của Phật giáo Khmer Nam tông (nhập hạ, xuất hạ, dâng bông (katina), lễ kiết giới sima (khánh thành chính điện)...Các lễ hội văn hóa, thể thao cộng đồng: Chol chnam thmay (Tết cổ truyền), Senl Đol ta (Cúng ông bà), hạ thủy ghe ngo (trong mùa lễ hội ok om bok), cúng Neak ta,...Các nghi lễ vòng đời người: Đầy tháng, thôi nôi, đám cưới (gã), đám tang...
Theo nghiên cứu của Sơn Ngọc Hoàng (Sơn Ngọc Hoàng, Nhạc khí dân tộc Khmer Nam bộ, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2005) thì dàn Nhạc trống lớn của người Khmer gồm 07 nhạc cụ là: Skor Thom, Cặp Skor Đay, Pay O, T’ruô U, T’ruô Sô, Khưm Tôch, Tà Khê. Tuy nhiên, tại tỉnh Cà Mau hiện nay các nghệ nhân thực hành di sản ở huyện Thới Bình cho biết dàn nhạc trống lớn gồm có 15 loại nhạc cụ sau: Skor Thom, Koông Thom, Skor Đay (02 cái), T’ruô – U, T’ruô – Khse bây (Truô Khmer, T’ruô Nguôk), T’ruô – sô, Chapay-chomriêng, Pay Puốc, Pay – O, Khloy, Khưm, Chhưng, Tà Khê, Krap.
Dàn nhạc trống lớn biểu diễn giao lưu cồng chiêng Tây Nguyên tại thành phố Cà Mau.
Nhưng do thiếu nghệ nhân, thiếu nhạc cụ... nên các nhóm nhạc hiện nay ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau thường biểu diễn thiếu một số nhạc cụ, chỉ có 09 nhạc cụ được sử dụng thường xuyên như: Skor Thom, Koông Thom, Skor Đay (01 cái), T’ruô – U, T’ruô – SÔ, Chapay-Chomriêng, Pay Puốc, Khưm, Chhưng.
Để có được dàn nhạc trống lớn, hầu hết các nhạc cụ đều được mua từ nơi khác hoặc đặt các nghệ nhân lành nghề làm riêng. Riêng chỉ có một số nhạc cụ tùy theo người chơi mà có thể các nghệ nhân chế tác riêng để cho mình sử dụng.
Dàn Nhạc trống lớn (Plêng Skor thom) của người Khmer Cà Mau luôn gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của mọi con người Khmer trong từng phum, sróc, là tiếng nói trong tâm tư, tình cảm và khát vọng vươn tới cái đẹp qua bao thế hệ. Dàn nhạc trống lớn (Plêng Skor thom) của người Khmer Cà Mau là linh hồn (Đuôn-pro-lưng) là niềm mơ ước của mọi tầng lớp trong xã hội và cũng trong hoạt động sinh hoạt văn hóa, lễ hội, lễ nghi truyền thống sử dụng dàn nhạc trống lớn (Plêng Skor Thom) của người Khmer Cà Mau có một ý nghĩa sâu sắc và thiết thực trong đời sống đồng bào dân tộc Khmer Cà Mau hiện nay.
Các nghệ nhân dàn nhạc trống lớn truyền nghề lại cho con cháu.
Âm nhạc truyền thống của người Khmer ở Cà Mau rất phong phú và đa dạng về hình thức tổ chức dàn nhạc với các quy mô lớn nhỏ khác nhau, có những quy định khá chặt chẽ cho từng loại hình dàn nhạc với những biên chế nhạc cụ rõ ràng và hợp lý. Mặc dù biên chế trong dàn nhạc có rất nhiều nhạc cụ cùng bộ (cùng bộ hơi, bộ gõ...) nhưng khi dàn nhạc đã chọn nhạc cụ này để sử dụng thì nhạc cụ kia sẽ tạm thời không được sử dụng đồng thời. Do những quy định đã được lưu truyền lâu đời, không cho phép sử dụng một cách bừa bãi các nhạc cụ theo ý thích, mà phải chấp hành những nguyên tắc chung khi diễn tấu. Chính điều đó đã làm cho cách tổ chức dàn Nhạc trống lớn (Plêng Skor Thom) của dân tộc Khmer ở Cà Mau có tính độc đáo hấp dẫn, đa dạng và phong phú. Âm nhạc Skor Thom đã gắn liền với đời sống của người Khmer từ lúc mới sinh ra, trưởng thành và đến lúc mất đi. Khi ấy, nó đã tác động đến thế giới quan, nhân sinh quan của con người góp phần quan trọng vào sự hình thành những tình cảm thẩm mĩ với sự phát triển trí tưởng tượng, trí thông minh, óc sáng tạo của con người.
Nhạc trống lớn của người Khmer huyện Thới Bình là một loại hình âm nhạc truyền thống đặt sắc vẫn đang được các nghệ nhân tự bảo tồn. Hiện nay ở tỉnh Cà Mau có 02 nhóm nhạc được hình thành một cách tự phát trên cơ sở những ghi nhớ về bài bản, lời ca của từ chính các nghệ nhân. Di sản văn hóa nhạc trống lớn của người Khmer huyện Thới Bình hiện nay vẫn còn đang được thực hành ở các phum, srok. Đôi khi những phum, srok khác hoặc các gia đình có hữu sự trong ngoài tỉnh vẫn thường mời các nhóm nhạc ở vùng này đi biểu diễn.
Ngoài ra, tại các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn khác thì Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau cũng tổ chức chương trình cụ thể, có lồng ghép loại hình dàn nhạc này vào biểu diễn như một tiết mục và đạt được những kết quả khá cao.
Ngày 04/4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 786/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghệ thuật trình diễn dân gian nghệ thuật nhạc trống lớn của người Khmer, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Tin vắn
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các huyện: Thới Bình, Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời về việc xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
- Tỉnh Cà Mau Mau phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa năm 2024.
- Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc cấm Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc tham gia hoạt động đấu thầu trong thời gian 03 năm.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
- Treo cờ Tổ quốc tại trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh từ 06 giờ ngày 13/12/2024 đến hết ngày 13/12/2024.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện cao điểm trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường thu ngân sách Nhà nước các khoản thu liên quan đến đất đai trong tháng cuối năm.
- Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký quyết định phê duyệt dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để mở rộng, nâng cấp Cảng Hàng không Cà Mau.