Phóng sự ảnh

Cơn đại hạn lịch sử ở Cà Mau

18/06/2020 04:44:57 PM
Màu chữ Cỡ chữ


Trong nhiều tháng qua, hạn hán kéo dài trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân. Trong đó, các huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Thới Bình, Trần Văn Thời và U Minh.

Ông Cao Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, cho biết: Trước tình trạng hạn hán kéo dài như hiện nay, nguồn nước trên sông chảy qua địa bàn xã đã cạn kiệt, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Các ấp: 6, 8, 9 chịu thiệt hại nặng nề do tình trạng khô hạn gây ra. Trong đó, có hơn 100 hộ dân là đồng bào dân tộc Khmer chịu thiệt hại khoảng 40% về sản xuất nông nghiệp. Xã Trần Hợi cũng đang gặp khó khăn về nguồn nước sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Theo Ông Ngô Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Trần Hợi, tính đến cuối tháng 4/2016, tất cả các tuyến kênh mương trong địa bàn xã đã khô nước. Hàng trăm phương tiện ghe, xuồng vận chuyển hàng hóa nằm phơi khô trên những dòng kênh lạch, gây cản trở trong việc buôn bán kinh doanh của ba con.

2 xã: Biển Bạch và Tân Bằng, huyện Thới Bình hiện tại cũng đang gặp khó khăn lớn về nguồn nước ngọt để phục vụ sinh hoạt. Ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch: “Hạn hán đã gây thiệt hại trên 2.346 ha lúa, cùng với đó, do điều kiện địa chất không khoan được giếng nước nên các hộ sinh sống dọc theo hai bên bờ Sông Trẹm từ kênh Mười Rưỡi đến kênh Ngã Bát thiếu nước sinh hoạt. Bà con phải mua nước với giá trung bình 30 - 50 ngàn đồng/m3.  Huyện U Minh cũng có đến 1.560 hộ thiếu nước ngọt sử dụng, người dân phải đổi nước với giá “đắt đỏ”, 1 can 30 lít giá 7.000 đồng (khoảng 250 ngàn đồng/m3), đặc biệt một số hộ dân trên tuyến bờ bao thuộc địa phận Ấp 17, xã Khánh Thuận, phải dùng nước ao không đảm bảo vệ sinh.

Hạn hán đã gây khó khăn cho bà con, nhất là bà con nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống trên địa bàn các huyện nói trên. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần sớm có những giải pháp căn cơ giúp bà con thoát khỏi cơn “khát” mỗi khi mùa khô đến. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Cà Mau giới thiệu phóng sự ảnh “Cơn đại hạn lịch sử ở Cà Mau” cùng bạn đọc.
 



Những con kênh trên địa bàn xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời đã trơ đáy. Ảnh: Huỳnh Lâm.

 



Những chiếc vỏ, vó, ghe hàng… được xem là phương tiện, công cụ kiếm tiền của bà con đều nằm bất động trên con kênh cạn nước. Trong ảnh: ghe hàng của anh Nguyễn Văn Cuồng, ấp 10B, xã Trần Hợi đang nằm im phơi nắng. Ảnh: Huỳnh Lâm.

 



Gia đình Chị Trần Thị Hà, ở ấp 17, xã Khánh Thuận, huyện U Minh hằng ngày phải dùng nước dơ bẩn để sinh hoạt. Ảnh: Huỳnh Lâm.

 



Anh Nguyễn Văn Vinh, ở ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đang nỗ lực cứu đàn cá giống. Ảnh: Huỳnh Lâm.

 



Ông Phạm Văn Sol, ở ấp 12, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời đang tận dụng những dòng nước ngọt cuối cùng để cứu vườn thanh long của gia đình đang dần khô héo. Ảnh: Huỳnh Lâm.

 



Máy chà của anh Quốc, ở ấp 10C, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời là phương tiện nuôi sống gia đình, nay phải nằm phơi khô trên dòng kênh Kiểu Mẫu. Ảnh: Huỳnh Lâm.

 



Khơi dòng kênh Kiểu Mẫu, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời để tìm nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: Huỳnh Lâm.

 



Trại giống Dương Hùng, thị trấn U Minh, huyện U Minh khô cạn do thiếu nguồn nước sản xuất. Ảnh: Huỳnh Lâm.

 



Ông Phan Văn Cần (77 tuổi, người chỉ tay) và ông Nguyễn Văn Thanh (79) sống bên bờ kênh Kiểu Mẫu, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời gần cả đời người mới chứng kiến cơn đại hạn khốc liệt nhất năm nay. Ảnh: Huỳnh Lâm.

 

Huỳnh Lâm

Các tin khác

  • (31/10/2024)
  • (29/10/2024)
  • (28/10/2024)
  • (18/10/2024)
  • (14/10/2024)
  • (08/10/2024)
  • (10/09/2024)
  • (28/08/2024)
  • (17/05/2024)
  • (15/05/2024)
  • Trang đầu 123456789 Trang cuối

Tin vắn