Kinh tế

Cây đước giữ đất, giữ rừng, giữ nghề truyền thống

07/11/2024 10:45:44 AM
Màu chữ Cỡ chữ

Đặc thù rừng ngập nước bao đời nay đã trở thành “thương hiệu” nổi tiếng của vùng đất Cà Mau. Từ rừng ngập lợ đến rừng ngập mặn đã sản sinh nhiều sản vật phong phú, có giá trị về mặt môi trường tự nhiên và kinh tế. Rừng ngập mặn Cà Mau là một thảm thực vật với nhiều loài cây như: đước, mấm, vẹt, bần,… Trong đó, đước là loài cây chiếm phần lớn và có giá trị kinh tế cao, giúp người dân khu vực này giữ đất, giữ rừng và giữ nghề truyền thống.
 

Hệ sinh thái rừng đước tạo nên nét đặc trưng của vùng Bán đảo Cà Mau.
 

Cây đước đã gắn bó lâu đời với vùng đất ngập mặn Cà Mau, góp phần tạo nên một hệ sinh thái phong phú và đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân nơi đây. Từ hàng trăm năm trước, khi vùng châu thổ sông Cửu Long bồi đắp, tạo ra đất phù sa ngập mặn ven biển, rừng đước Cà Mau hình thành, cùng với các loại cây ngập mặn khác như mấm, vẹt, tạo thành những cánh rừng bạt ngàn, trù phú. Rừng đước có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường ven biển và chống xói lở đất. Với hệ thống rễ chắc chắn, ăn sâu vào đất, cây đước giúp cố định đất, ngăn ngừa xói mòn do sóng biển và còn là lá chắn tự nhiên giúp bảo vệ bờ biển, làm giảm tác động của bão, lũ lụt.

Trong thời kỳ chiến tranh, rừng đước đóng vai trò như một nơi ẩn náu và che chắn cho lực lượng cách mạng. Những cánh rừng ngập mặn rậm rạp đã giúp che giấu bộ đội và đóng vai trò chiến lược trong các hoạt động kháng chiến, nhất là kháng chiến chống Mỹ. Ngày nay, các khu vực rừng đước cũng trở thành điểm du lịch sinh thái, thu hút du khách đến khám phá hệ sinh thái ngập mặn đa dạng.
 

Cây đước chiếm đa số trên vùng rừng ngập mặn Cà Mau.
 

Không chỉ có đóng góp quan trọng về bảo vệ môi trường sinh thái, cây đước còn mang lại giá trị kinh tế cho bộ phận người dân sống dưới tán rừng. Với văn hóa vùng sông nước cùng hoạt động mưu sinh dưới tán rừng của một số người dân, cây đước được khai thác để lấy gỗ làm củi, cột nhà, hàng rào, và nhiều loại vật dụng phục vụ sinh hoạt khác. Trong đó, đũa đước là một trong những sản phẩm từ đước giúp nhiều người dân vùng rừng ngập mặn Cà Mau phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Nghề truyền thống làm đũa đước trên vùng rừng ngập mặn Cà Mau đã xuất hiện từ thế kỷ trước. Gia đình cô Tạ Thị Tấm, ngụ ấp Xẻo Mắm, xã Viên An, Huyện Ngọc Hiển đến với nghề làm đũa đước truyền thống này xuất phát từ những đôi đũa đầu tiên được vót tỉ mỉ bằng tay, với mong muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Giờ đây đũa đước đã trở thành nguồn thu nhập chính, giúp gia đình cô gây dựng nên thương hiệu đũa đước Chí Nguyện ở vùng đất Viên An, mang lại việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Mặc dù, hiện nay nhiều loại đũa công nghiệp xuất hiện ngày càng phổ biến trên thị trường nhưng đũa đước vẫn giữ được chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng.
 

Nghề truyền thống làm đũa đước được nhiều người dân lưu giữ và phát triển đến ngày nay.
 

Cô Tạ Thị Tấm cho biết: “Nghề làm đũa đước đã mang lại nhiều giá trị kinh tế cho gia đình tôi. Với đặc tính cứng, có độ bền cao, dùng lâu không bị cong, nứt, hoặc mốc, nhất là không cần xử lý hóa chất, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng nên đũa đước được nhiều người ưa chuộng. Từ quá trình sản xuất bằng tay, nay các công đoạn chẻ, chuốt, đánh bóng đều được hiện đại hóa bằng máy móc. Từ đó, gia tăng số lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Hiện nay, sản phẩm đũa đước của người dân sinh sống trên vùng đất rừng ngập mặn Cà Mau không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn cung ứng cho thị trường ngoài tỉnh. Từ nghề làm đũa đước đã nuôi lớn bao thế hệ gia đình cô Tại Thị Tấm cũng như nhiều hộ dân khác trong vùng. Để tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề “cha truyền con nối”, cô Tấm làm hồ sơ, thủ tục đưa đũa đước tham gia vào chương trình OCOP và được đánh giá phân hạng sản phẩm đạt chất lượng 3 sao vào năm 2021. Cô Tạ Thị Tấm cho biết thêm: “Cây đước có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình tôi và những người dân mưu sinh dưới tán rừng. Cây đước không chỉ giữ đất, giữ rừng mà còn góp phần nuôi lớn con cháu chúng tôi. Tham gia đánh giá sản phẩm OCOP không chỉ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của rừng đước mà tôi còn muốn lưu giữ những giá trị tốt đẹp của nghề truyền thống làm đũa đước của người Cà Mau. Qua đó, mong muốn con cháu sẽ tiếp tục kế thừa, lưu giữ và phát huy hơn nữa giá trị mà cây đước mang lại”.
 

Cây đước còn mang cung cấp gỗ để hầm than, tạo sinh kế cho nhiều hộ dân ở vùng rừng ngập mặn.
 

Bên cạnh nghề làm đũa, cây đước cung cấp gỗ, hình thành nên nghề hầm than. Những cây đước nhỏ, không đạt tiêu chuẩn làm đũa, lấy gỗ, được đem đi hầm, đốt trong trong nhiều giờ để thành than đước, mang lại giá trị kinh tế cao. Anh Trần Văn Vệ, ngụ ấp Xẻo Mắm, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển cho biết: “Nghề hầm than đước đã có từ lâu đời trên vùng rừng ngập mặn này. Cùng với đũa đước, than đước là một trong những sản phẩm từ rừng giúp người dân nơi đây ổn định đời sống. Hiện nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và rừng là thành phần quan trọng giúp ổn định lại môi trường. Vì vậy, chúng tôi khai thác kết hợp với trồng dặm rừng hàng năm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để đảm bảo rừng luôn được bảo vệ và phát triển, là nguồn lợi quý để giữ nghề truyền thống cho người dân”.  

Phó Chủ tịch UBND xã Viên An, Huyện Ngọc Hiển Trần Hiếu Giang cho biết: “Dưới tán rừng đước, thời gian qua, người dân trên địa bàn xã đã phát huy và kết hợp triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như nuôi tôm, cua, cá, sò, ốc,…Đặc biệt, nguồn lợi từ gỗ đước đã mang lại nhiều giá trị về kinh tế, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn với sản phẩm đũa đước đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân phát huy thế mạnh từ rừng đước trong phát triển kinh tế gia đình. Địa phương sẽ hướng dẫn, vận động người dân vừa khai thác vừa trồng rừng theo tỉ lệ quy hoạch 6/4. Trong đó, giữ rừng, bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đảm bảo luôn có nguồn đước đủ năm tuổi phục vụ cho sản xuất các ngành hàng của người dân”.

Việc bảo vệ và phát triển rừng là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Cà Mau, nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Thời gian qua, các ngành, các cấp luôn quan tâm bảo vệ, phát triển và mở rộng diện tích rừng nói chung, rừng đước nói riêng. Trong đó, các chỉ tiêu nhiệm vụ thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2030 được tỉnh lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực để thực hiện, nhằm đạt được các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra. Trọng tâm là thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên hàng năm về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; phê duyệt và thực chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án khôi phục và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống xói lở bờ sông, bờ biển và thúc đẩy tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh.

Bích Ngọc

Các tin khác

  • (06/12/2024)
  • (06/12/2024)
  • (06/12/2024)
  • (06/12/2024)
  • (04/12/2024)
  • (04/12/2024)
  • (04/12/2024)
  • (03/12/2024)
  • (03/12/2024)
  • (02/12/2024)
  • Trang đầu 12345678910... Trang cuối

Tin vắn