Thanh niên Trần Quốc Vương đa canh làm giàu
Nhờ cần cù, chí thú làm ăn, không ngại khó khăn gian khổ, linh hoạt trong sản xuất, dám nghĩ, dám làm, anh Trần Quốc Vương, ở Ấp 9, xã Khánh An, huyện U Minh đã trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Những năm qua, anh thực Vương hiện thành công mô hình trồng lúa, nuôi tôm, nuôi cua, nuôi dê kết hợp. Từ mô hình sản xuất, mỗi năm gia đình anh Vương có thu nhập trên 300 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh ngày một khấm khá hơn.
Anh Vương đang đặt lú bắt tôm, cua.
Trước đây, gia đình anh Trần Quốc Vương, ở Ấp 9, xã Khánh An, huyện U Minh cũng như nhiều hộ dân trong vùng còn gặp nhiều khó khăn về đời sống. Do đồng đất sâu trũng, nhiễm phèn nặng nên mỗi năm chỉ sản xuất độc canh cấy lúa, cuộc sống kinh tế gia đình anh chỉ dừng lại mức đủ ăn. Tuy nhiên, từ khi Nhà nước có chủ trương cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất (nuôi tôm trên đất cấy lúa), kinh tế gia đình anh Vương cũng như nhiều hộ nông dân khác trong vùng đã có bước phát triển đáng kể.
Khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, anh Vương xem đây là một cơ hội để đổi đời và từng bước vươn lên làm giàu. Những ngày đầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất, vợ chồng anh Vương mạnh dạn đầu tư vốn gia cố bờ bao, lên liếp, sên vét kênh mương để thực hiện mô hình sản xuất trồng lúa, nuôi tôm, nuôi cua kết hợp. Trên diện tích đất sản xuất 4 ha của gia đình, vào đầu vụ, anh Vương tập trung xổ phèn, rửa mặn, giữ ngọt để trồng 1 vụ lúa, thả nuôi 3 vụ tôm và 2 vụ cua. Từ mô hình sản xuất đa canh này, 5 năm năm trở lại đây, gia đình anh Vương cũng có thu nhập khoảng 300 triệu đồng mỗi năm. Có năm, trúng mùa, giá lúa, giá tôm, giá cua tăng cao, gia đình anh có thu nhập gần 400 triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh ngày một khấm khá, vươn lên và từng bước ổn định cuộc sống.
Nhiều năm liền, mô hình trồng lúa, nuôi tôm, nuôi cua kết hợp của anh Vương đạt hiệu quả kinh tế cao.
Chưa bằng lòng với cuộc sống hiện tại và để tận dụng, khai thác tốt tiềm năng đất đai, anh Vương dự các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, đi tham quan một số mô hình sản xuất có hiệu quả để áp dụng vào sản xuất. Qua đó, nhằm tăng thu nhập, phát triển cho kinh tế gia đình.
Sau khi tìm hiểu một số nơi và nhận thấy nguồn thức ăn chăn nuôi tại địa phương dồi dào, năm 2020 anh Vương quyết định thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản và dê thương phẩm. Lúc đầu, anh Vương đầu tư vốn trên 50 triệu đồng tiền vốn để làm 2 chuồng nuôi dê, mỗi chuồng có diện tích khoảng 15 đến 20m², chủ yếu bằng cây lá địa phương nên ít tốn chi phí. Sau đó, anh mua 10 con dê giống để thả nuôi. Sau 5 tháng nuôi, dê đã cho sinh sản. Vụ nuôi đầu tiên sau khi trừ các khoản chi phí, anh Vương có lãi trên 15 triệu đồng. Thấy dê dễ nuôi, ít chăm sóc, không tốn tiền mua thức ăn, rủi ro thấp, đầu ra dễ tiêu thu, giá cả ổn định, thu nhập cao so với nuôi heo, gà, vịt...nên những vụ nuôi sau anh Vương tăng số lượng nuôi nhiều hơn. Hiện nay, đàn dê gia đình anh Vương có trên 20 con dê lớn nhỏ và đang phát triển tốt. 3 năm qua, năm nào gia đình anh Vương cũng bán từ 8 đến 10 cặp dê giống, khoảng 20 con dê thịt và có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Anh Vương thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản và dê thương phẩm.
Anh Vương cho biết: “Nuôi dê sinh sản và dê thương phẩm không khó lắm, vốn thì nuôi ít, vốn thì nuôi nhiều. Vốn bỏ ra ban đầu để làm chuồng, mua con giống cũng không nhiều nhưng nếu nuôi thuận lợi thì “1 vốn 4 lời”. Mỗi năm, dê cái đẻ 2 lần, mỗi lần được từ 2 đến 3 con dê con. Trên thị trường hiện nay mỗi con dê giống bán được từ 3 đến 3,5 triệu đồng. Cái hay của nuôi dê là làm chuồng nuôi trên đất vườn, đất trống sau nhà, hạn chế được rủi ro. Nuôi dê trên bờ rất dễ kiểm soát, khâu phòng và điều trị bệnh cho dê cũng chủ động, dễ dàng hơn so với những vật nuôi khác. Khi cần, mình có thể bắt kiểm tra sức khỏe trực tiếp xem con dê có khỏe mạnh hay không. Vì vậy, trong quá trình nuôi tỉ lệ hao hụt rất thấp. Tuy nhiên, để nuôi dê đạt năng suất cao thì việc chọn giống, chăm sóc, cho ăn, vệ sinh môi trường là rất quan trọng. Nếu bà con nông dân nào muốn nuôi dê đạt hiệu quả cao thì phải thực hiện tốt các yêu cầu trên”.
Mô hình trồng lúa, nuôi tôm, nuôi cua kết hợp của gia đình anh Vương.
Ngoài ra, anh Vương còn tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà, thời gian nhàn rỗi và nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương để làm hồ nuôi 300 con ba ba và nuôi 100 con rắn ri tượng. Hiện nay, số ba ba và rắn ri tượng của anh Vương nuôi được khoảng 1 năm tuổi và đang phát triển tốt. Từ giờ đến khi thu hoạch, nếu không có trở ngại gì sau khi bán hết ba ba và rắn ri tượng này gia đình anh Vương còn lãi vài chục triệu đồng.
Không những phát triển kinh tế cho gia đình mình, anh Vương còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương tổ chức. Anh sẵn sàng đóng góp nhiều ngày công lao động để cùng với địa phương vệ sinh môi trường, trồng hàng rào cây xanh trước nhà, trồng hoa cây cảnh trên sân vườn, làm cột cờ kiểu mẫu… Qua đó, nhằm góp thêm tiêu chí môi trường để xã Khánh An duy trì và nâng cao chất lương xã đạt chuẩn nông thôn mới và tiến tới xã nông thôn mới nâng cao. Anh Vương sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất có hiệu quả cho bà con nông dân trong ấp khi có nhu cầu. Việc làm của anh Vương trong những năm qua đã được bà con trong ấp tin yêu, quý trọng. Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 9, xã Khánh An Nguyễn Minh Nhớ, cho biết: “Nhiều năm liền, anh Vương là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của ấp. Ngoài siêng năng, cần cù, chịu khó, anh Vương còn chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm nên thực hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình sản xuất đa canh kết hợp của anh Vương đã được nhiều nông dân khác học tập, làm theo để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững”.
Tin vắn
- Đường Hồ Chí Minh trên biển (thành phố Hải Phòng, tỉnh Phú Yên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Cà Mau) vừa được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
- UBND tỉnh vừa có quyết định ban hành quy chế phối hợp thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm ở động vật.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước.
- Chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái - Tiếp nối trang sử vàng” được tổ chức từ ngày 23/11/2024 đến 28/4/2025.
- Chủ tịch UBND tỉnh vừa thống nhất chủ trương tổ chức chợ hoa kiểng, chợ dưa hấu phục vụ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn thành phố Cà Mau.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương về việc lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.