Nghề làm tôm khô
Nghề làm tôm khô là nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Chủ thể văn hóa là cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Nghề truyền thống sản xuất tôm khô góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương lúc nhàn rỗi.
Nghề làm tôm khô gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng cư dân Cà Mau từ lâu đời, gắn liền với lịch sử khai phá vùng đất Cà Mau. Con tôm là sản vật quen thuộc nhất, phổ biến nhất mà cư dân Cà Mau khai thác để phục vụ mục đích sinh tồn trên vùng đất mới. Khi trữ lượng con tôm quá dồi dào đã hình thành nghề làm tôm khô, một nghề đặc biệt nhưng phổ biến ở vùng đất Cà Mau.
Hiện nay, tại Cà Mau có 02 hình thức thực hành nghề làm tôm khô. Hình thức thực hành truyền thống ra đời từ xa xưa, sản xuất nhỏ lẻ mang tính chất thủ công gia đình. Bên cạnh đó, còn có hình thức thực hành hiện đại, với cách sản xuất quy mô lớn theo dây chuyền công nghệ kết hợp máy móc và lao động của con người.
Theo cách truyền thống, nghề làm tôm khô có 03 công đoạn chính: Luộc tôm, phơi tôm, tách vỏ. Theo cách hiện đại, vẫn là 03 công đoạn chính: Luộc tôm, sấy tôm, tách vỏ.
Hình thức thực hành nghề làm tôm khô theo cách hiện đại.
Nguyên liệu của nghề làm tôm khô có 02 loại: Tôm sông (tôm bạc, tôm đất, tôm sú, tôm thẻ…) và tôm biển (tôm sú biển, tôm sắt…). Loại tôm sông cho chất lượng sản phẩm ngon hơn, có giá trị kinh tế cao hơn.
Nghề làm tôm khô phân bố trên phạm vi toàn tỉnh Cà Mau nhưng tập trung nhiều nhất tại các địa phương thuộc vùng rừng ngập mặn, do nguồn nguyên liệu dồi dào.
Hiện tại, sản phẩm tôm khô được các cơ sở sản xuất đóng gói bắt mắt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nghề làm tôm khô phản ánh một phần công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, gắn bó với con người trong đời sống hàng ngày. Về vật chất, nó là một sinh kế quan trọng. Về tinh thần nó là nghệ thuật ẩm thực và được thể hiện trong dân ca, đờn ca tài tử, tác phẩm văn học tạo nên sắc thái văn hóa riêng của vùng đất này.
Về kỹ thuật, nó còn là tri thức dân gian trong ẩm thực, từ cách làm sạch nguyên liệu, quy trình luộc tôm, phơi tôm, bóc tách vỏ tôm cho đến kinh nghiệm chế biến món ăn. Sự khéo léo của người làm nghề tôm khô ở chỗ biết pha nước muối để luộc con tôm vừa chín, canh lửa, canh thời gian luộc tôm, chế độ phơi và đảo tôm khi phơi…
Tỉnh Cà Mau đang có chủ trương phát triển nghề làm tôm khô thành nghề truyền thống và có thương hiệu.
Sản phẩm tôm khô trở thành món ăn truyền thống trong các dịp lễ, Tết của người Nam Bộ nói chung, người Cà Mau nói riêng. Trong đó, món tôm khô dưa kiệu trong ngày Tết Nguyên đán hầu như nhà nào cũng có, trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Cà Mau.
Món ăn từ tôm khô có thể được chế biến đa dạng như: Tôm khô ăn liền, chà bông, gỏi chua, nấu canh, tôm khô rang muối, bắp xào tôm khô, sa tế tôm khô, kho quẹt tôm khô, tôm khô rim nước mắm... Đối với người dân Cà Mau, tôm khô là một nguyên liệu nấu ăn rất quen thuộc trong bữa ăn gia đình. Tôm khô Cà Mau đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách thập phương về đây thưởng thức.
Việc thực hành nghề làm tôm khô ở Cà Mau chủ yếu theo hình thức truyền miệng, cầm tay chỉ việc, các công thức thực hành, bí quyết, kinh nghiệm được truyền dạy trong gia đình và đã được duy trì qua nhiều thế hệ.
Hiện nay, sản phẩm tôm khô Cà Mau không chỉ được cộng đồng trong vùng ưa chuộng mà còn lan rộng ra nhiều địa phương trong nước và nước ngoài như: Campuchia, Thái Lan, Lào, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật… Tôm khô còn là món ăn được nhiều nhà hàng, quán ăn chế biến cho khách hàng.
Tôm khô là sản phẩm thường được trưng bày, quảng bá, giới thiệu tại các chương trình, sự kiện lớn được tổ chức hàng năm của tỉnh.
Nghề truyền thống sản xuất tôm khô phát triển không những khẳng định giá trị sản phẩm thương hiệu tôm khô Cà Mau mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương lúc nhàn rỗi. Tỉnh Cà Mau hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất tôm khô từ quy mô hộ gia đình đến hợp tác xã, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Thị trường tiêu thụ tôm khô Cà Mau khá ổn định và ngày càng mở rộng cũng là lý do để nghề thủ công truyền thống này được bảo tồn và phát triển.
Ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 3441/QĐ-BVHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian Nghề làm tôm khô tỉnh Cà Mau.